Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Hợp tác xã năm 2012

08:50, 10/01/2014

11. Việc trả lại, thừa kế vốn góp cho thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã được Luật quy định thế nào?

Theo quy định tại Điều 18 của Luật:

-  Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trả lại vốn góp cho thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã khi chấm dứt tư cách thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc trả lại phần vốn vượt quá mức vốn góp tối đa khi vốn góp của thành viên, hợp tác xã thành viên vượt quá mức vốn tối đa theo quy định.

- Trường hợp thành viên là cá nhân chết thì người thừa kế nếu đáp ứng đủ điều kiện của Luật và điều lệ, tự nguyện tham gia hợp tác xã thì trở thành thành viên và tiếp tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ của thành viên; nếu không tham gia hợp tác xã thì được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật. Trường hợp thành viên là cá nhân bị Tòa án tuyên bố mất tích, việc trả lại vốn góp và quản lý tài sản của người mất tích được thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp thành viên là cá nhân bị Tòa án tuyên bố bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì vốn góp được trả lại thông qua người giám hộ.

- Trường hợp thành viên là pháp nhân, hợp tác xã thành viên bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản thì việc trả lại, kế thừa vốn góp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp vốn góp của thành viên là cá nhân không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì vốn góp được giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp người thừa kế tự nguyện để lại tài sản thừa kế cho hợp tác xã thì vốn góp đó được đưa vào tài sản không chia của hợp tác xã.

12. Việc xử lý tài sản và vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi giải thể được quy định thế nào?

Theo quy định tại Điều 49 của Luật:

- Trình tự xử lý vốn, tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là:

+ Thu hồi các tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

+ Thanh lý tài sản, trừ phần tài sản không chia;

+ Thanh toán các khoản nợ phải trả và thực hiện nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

- Xử lý tài sản còn lại (trừ tài sản không chia) được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây:

+ Thanh toán chi phí giải thể, bao gồm cả khoản chi cho việc thu hồi và thanh lý tài sản;

+ Thanh toán nợ lương, trợ cấp và bảo hiểm xã hội của người lao động;

+ Thanh toán các khoản nợ có bảo đảm theo quy định của pháp luật;

+ Thanh toán các khoản nợ không bảo đảm;

+ Giá trị tài sản còn lại được hoàn trả cho thành viên, hợp tác xã thành viên theo tỷ lệ vốn góp trên tổng số vốn điều lệ.

Trường hợp giá trị tài sản còn lại không đủ để thanh toán các khoản nợ thuộc cùng một hàng ưu tiên thanh toán thì thực hiện thanh toán một phần theo tỷ lệ tương ứng với các khoản nợ phải chi trả trong hàng ưu tiên đó.

13. Trong trường hợp nào thì Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký?

Theo quy định tại Điều 56 của Luật, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Giải thể, phá sản, bị hợp nhất, bị sáp nhập;

- Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không trung thực, không chính xác;

- Lợi dụng danh nghĩa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để hoạt động trái pháp luật;

- Hoạt động trong ngành, nghề mà pháp luật cấm;

- Hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;

- Không đăng ký mã số thuế trong thời hạn 1 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký;

- Chuyển trụ sở chính sang địa phương khác với nơi đăng ký trong thời hạn 1 năm mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hoàng Thị Thanh Tâm

(Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​