Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014

10:01, 21/08/2015

1. Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Luật Tổ chức Quốc hội được thông qua có hiệu lực thi hành kể từ ngày, tháng, năm nào, có bao nhiêu chương, điều, quy định về vấn đề gì?

Trả lời:       

Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 (sau đây gọi là Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2016. Luật có 7 Chương với 102 Điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; đại biểu Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quộc hội và Chủ tịch Quốc hội; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; kỳ họp Quốc hội; Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kinh phí hoạt động của Quốc hội.

 

2. Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Quốc hội có vị trí và chức năng gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 1 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014:

- Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

 

3. Quốc hội có những chức năng và nhiệm vụ gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Chương I Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, các chức năng và nhiệm vụ cụ thể của Quốc hội được quy định như sau:

- Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp;

- Làm Luật và sửa đổi Luật;

- Thực hiện quyền giám sát tối cao;

- Quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội;

- Bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước;

- Phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước;

- Miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;

- Lấy phiếu tín nhiệm;

- Bỏ phiếu tín nhiệm;

- Quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính;

- Bãi bỏ văn bản trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội;

- Quyết định đại xá;

- Quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình;

- Phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế;

- Trưng cầu ý dân;

- Xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị và việc giải quyết kiến nghị của cử tri cả nước.

 

4. Vị trí và vai trò của đại biểu Quốc hội được Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 21 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, vị trí và vai trò của đại biểu Quốc hội được quy định như sau:

- Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.

- Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.

- Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội.

 

5. Trách nhiệm và nghĩa vụ của đại biểu Quốc hội được Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Chương II Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, đại biểu Quốc hội có các trách nhiệm và các quyền sau:

- Trách nhiệm tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội;

- Trách nhiệm với cử tri;

- Trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân;

- Quyền trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị về luật, pháp lệnh;

- Quyền tham gia làm thành viên và tham gia hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội;

- Quyền ứng cử, giới thiệu người ứng cử vào các chức danh do Quốc hội bầu;

- Quyền chất vấn;

- Quyền kiến nghị;

- Quyền yêu cầu khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật;

- Quyền yêu cầu cung cấp thông tin;

- Quyền tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân;

- Quyền miễn trừ.

(còn nữa)

Trần Thiên Định


Ý kiến bạn đọc