Tìm hiểu Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014
6. Trong các trường hợp nào đại biểu Quốc hội bị tạm đình chỉ, mất quyền đại biểu Quốc hội, bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 39, Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014:
- Đại biểu Quốc hội bị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội trong trường hợp đại biểu Quốc hội đó bị khởi tố bị can.
Đại biểu Quốc hội được trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu và khôi phục các lợi ích hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với đại biểu đó hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên đại biểu đó không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.
- Đại biểu Quốc hội đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội khi bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
- Đại biểu Quốc hội bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân. Việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội do Quốc hội hoặc cử tri thực hiện.
Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
7. Vị trí, chức năng và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 44 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 thì vị trí, chức năng và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được quy định như sau:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội làm Phó Chủ tịch. Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và không đồng thời là thành viên Chính phủ. Số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Quốc hội quyết định.
Nhiệm kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu từ khi được Quốc hội bầu ra và kết thúc khi Quốc hội khóa mới bầu ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
8. Trách nhiệm và quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Chương III Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có các trách nhiệm và quyền hạn như sau:
- Thực hiện phối hợp trong công tác với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân;
- Chuẩn bị, triệu tập và chủ trì kỳ họp Quốc hội;
- Xây dựng Luật, Pháp lệnh;
- Giải thích Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh;
- Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;
- Đình chỉ, bãi bỏ văn bản của cơ quan nhà nước ở trung ương;
- Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và Ủy ban của Quốc hội.
- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy Nhà nước;
- Thực hiện trách nhiệm đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội;
- Giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân;
- Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Quyết định tình trạng chiến tranh, quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp;
- Thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội;
- Tổ chức trưng cầu ý dân.
(Còn nữa)
Trần Thiên Định
Ý kiến bạn đọc