Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (Tiếp theo và hết)

08:40, 31/10/2015

14. Xin cho biết nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự?

Trả lời: Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự:

Công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn, quyết định khác về việc buộc tội đối với bị cáo tại phiên tòa; xét hỏi, luận tội, tranh luận, phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa; kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp phát hiện oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong việc buộc tội theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

15. Viện Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn gì khi kiểm sát xét xử vụ án hình sự?

Trả lời: Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân khi kiểm sát xét xử vụ án hình sự:
Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự của Tòa án.
Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án.
Kiểm sát hoạt động tố tụng hình sự của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.
Yêu cầu Tòa án cùng cấp, cấp dưới chuyển hồ sơ vụ án hình sự để xem xét, quyết định việc kháng nghị.
Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị và nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát xét xử vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

16. Xin cho biết nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam?

Trả lời: Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam:
- Viện Kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, tạm giam.
- Khi kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, Viện Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Trực tiếp kiểm sát tại nhà tạm giữ, trại tạm giam; hỏi người bị tạm giữ, tạm giam về việc tạm giữ, tạm giam;
+ Kiểm sát hồ sơ tạm giữ, tạm giam;
+ Yêu cầu trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam tự kiểm tra việc tạm giữ, tạm giam và thông báo kết quả cho Viện Kiểm sát nhân dân; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc tạm giữ, tạm giam; thông báo tình hình tạm giữ, tạm giam; trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam;
+ Quyết định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, tạm giam không có căn cứ và trái pháp luật;
+ Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, tạm giam đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và yêu cầu xử lý người vi phạm pháp luật;
+ Khởi tố hoặc yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật;
+ Giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật.

17. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật là gì?

Trả lời: Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật
Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.
Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc.
Thu thập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp pháp luật quy định.
Tham gia phiên tòa, phiên họp, phát biểu quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân về việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật.
Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án.
Kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.
Kháng nghị, kiến nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật; kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tố tụng.
Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.

Bùi Thị Trang
(Sở Tư pháp)


 


Ý kiến bạn đọc