Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015

15:39, 08/11/2015

1. Quốc hội vừa ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương, xin cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Trả lời: Ngày 19-6-2015, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 và thay thế Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua năm 2003.

Từ ngày 1-1-2016 cho đến khi bầu ra Hội đồng nhân dân (sau đây gọi tắt là HĐND) nhiệm kỳ 2016 - 2021; HĐND, Ủy ban nhân dân (sau đây gọi tắt là UBND) tại các đơn vị hành chính tiếp tục giữ nguyên cơ cấu tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Cũng từ ngày 1-1-2016, chấm dứt việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. UBND huyện, quận, phường nơi không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tiếp tục giữ nguyên cơ cấu tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho đến khi bầu ra chính quyền địa phương ở huyện, quận, phường theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

 

2. Luật quy định thế nào về các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 2 của Luật thì các đơn vị hành chính của nước ta gồm:

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;

- Xã, phường, thị trấn;

- Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Như vậy, so với Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã bổ sung thêm đơn vị hành chính: thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

 

3. Đơn vị hành chính được phân loại thế nào?

Trả lời: Đơn vị hành chính được phân loại như sau (Điều 3):

- Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt; các đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;

- Đơn vị hành chính cấp huyện được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;

- Đơn vị hành chính cấp xã được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III.

Việc phân loại đơn vị hành chính được dựa trên các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù của từng loại đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị, hải đảo. Phân loại đơn vị hành chính là cơ sở để hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức của chính quyền địa phương phù hợp với từng loại đơn vị hành chính.

Đây là quy định hoàn toàn mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể tiêu chuẩn của từng tiêu chí, thẩm quyền, thủ tục phân loại đơn vị hành chính.

 

4. Tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính được quy định thế nào?

Trả lời: Tại Điều 4 của Luật quy định:

- Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

- Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã.

- Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn.

Như vậy, sau một thời gian thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định cấp chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính đều có HĐND và UBND.

(Còn nữa)

Hoàng Thị Thanh Tâm

(Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc