Tìm hiểu về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015
4. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản QPPL được quy định như thế nào?
Trả lời: Luật năm 2015 đã bổ sung một nội dung mới quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản QPPL, cụ thể như sau:
- Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình dự án, dự thảo văn bản QPPL chịu trách nhiệm về tiến độ trình và chất lượng dự án, dự thảo văn bản do mình trình.
- Cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản QPPL chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình hoặc cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ban hành văn bản về tiến độ soạn thảo, chất lượng dự án, dự thảo văn bản được phân công soạn thảo.
- Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền được đề nghị tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản QPPL, dự thảo văn bản QPPL chịu trách nhiệm về nội dung và thời hạn tham gia góp ý kiến.
- Cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình hoặc cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL về kết quả thẩm định đề nghị xây dựng văn bản QPPL, dự án, dự thảo văn bản QPPL.
- Cơ quan thẩm tra chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL về kết quả thẩm tra dự án, dự thảo văn bản QPPL.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản QPPL trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản QPPL được phân công thực hiện.
5. Những hành vi nào bị cấm trong xây dựng và ban hành văn bản QPPL?
Trả lời: Tại Điều 14 Luật năm 2015 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng và ban hành văn bản QPPL, bao gồm: ban hành văn bản QPPL trái với Hiến pháp, trái với văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên; ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản QPPL nhưng có chứa QPPL; ban hành văn bản QPPL không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại Luật này
Bên cạnh đó, Luật năm 2015 cũng nghiêm cấm quy định thủ tục hành chính trong thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, quyết định của UBND cấp tỉnh, văn bản QPPL của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; nghị quyết của HĐND cấp huyện, quyết định của UBND cấp huyện, nghị quyết của HĐND cấp xã, quyết định của UBND cấp xã, trừ trường hợp được giao trong luật.
6. Quốc hội ban hành luật để quy định những vấn đề gì?
Trả lời: Quốc hội ban hành luật để quy định những vấn đề sau:
- Tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;
- Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân mà theo Hiến pháp phải do luật định; việc hạn chế quyền con người, quyền công dân; tội phạm và hình phạt;
- Chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, ngân sách nhà nước; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế;
- Chính sách cơ bản về văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường;
- Quốc phòng, an ninh quốc gia;
- Chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước;
- Hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân; hàm, cấp ngoại giao; hàm, cấp nhà nước khác; huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước;
- Chính sách cơ bản về đối ngoại;
- Trưng cầu ý dân;
- Cơ chế bảo vệ Hiến pháp;
- Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
7. Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định về những vấn đề gì?
Trả lời: HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề sau đây:
- Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên;
- Chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên;
- Biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương;
- Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
(còn nữa)
Nguyễn Thị Hương
(Sở Tư pháp)
[links()]
Ý kiến bạn đọc