Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015

06:58, 05/03/2016

21. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 120 Luật năm 2015 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh có trách nhiệm:

- Đăng tải toàn văn Dự thảo nghị quyết trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong thời hạn ít nhất là 30 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến.

- Cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Trong trường hợp lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết thì cơ quan lấy ý kiến có trách nhiệm xác định những vấn đề cần lấy ý kiến và bảo đảm ít nhất là 30 ngày kể từ ngày tổ chức lấy ý kiến để các đối tượng được lấy ý kiến góp ý vào dự thảo văn bản.

- Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo văn bản.

22. Việc thẩm định dự thảo nghị quyết do UBND cấp tỉnh trình được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 121 Luật năm 2015 thì dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh do UBND cùng cấp trình phải được Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình UBND.

Trong trường hợp cần thiết, Sở Tư pháp yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo những vấn đề thuộc nội dung của dự thảo nghị quyết; tự mình hoặc cùng cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức khảo sát về những vấn đề thuộc nội dung của dự thảo nghị quyết. Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc thẩm định dự thảo nghị quyết.

- Đối với dự thảo nghị quyết liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo thì Giám đốc Sở Tư pháp thành lập hội đồng tư vấn thẩm định, bao gồm đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học.

Chậm nhất là 20 ngày trước ngày UBND họp, cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến Sở Tư pháp để thẩm định.

23. Cơ quan chủ trì soạn thảo nghị quyết của HĐND tỉnh phải có những giấy tờ gì khi gửi hồ sơ cho Sở Tư pháp thẩm định:

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 121 Luật năm 2015 thì hồ sơ gửi Sở Tư pháp đề nghị  thẩm định phải có:

- Tờ trình UBND về dự thảo nghị quyết;

- Dự thảo nghị quyết;

- Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý;

- Tài liệu khác (nếu có).

Tài liệu quy định tại điểm a và điểm b khoản này được gửi bằng bản giấy, tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử.

24. Khi thẩm định Dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh thì Sở Tư pháp thẩm định những nội dung gì?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 121 thì nội dung thẩm định bao gồm:

- Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết;

- Tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật;

-  Sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với các quy định trong văn bản đã giao cho HĐND quy định chi tiết; nội dung dự thảo nghị quyết với các chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết đã được thông qua theo quy định;

- Ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản.

 (còn nữa)

Nguyễn Thị Hương

(Sở Tư pháp)

[links()]


Ý kiến bạn đọc