Tìm hiểu về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015
(Tiếp theo kỳ trước)*
Câu 9. Xin cho biết đơn vị bầu cử là gì? Có mấy loại đơn vị bầu cử?
Trả lời:
Đơn vị bầu cử là khái niệm chỉ một phạm vi địa lý hành chính với số dân cư nhất định, được bầu một số lượng đại biểu Quốc hội hay đại biểu Hội đồng nhân dân xác định.
Có 4 loại đơn vị bầu cử sau:
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội.
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
- Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện.
- Xã, phường, thị trấn được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
Câu 10. Số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử là bao nhiêu?
Trả lời:
- Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được bầu không quá 3 đại biểu.
- Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu không quá 5 đại biểu.
Câu 11. Khu vực bỏ phiếu là gì? Việc phân bố khu vực bỏ phiếu được quy định ra sao?
Trả lời:
Khu vực bỏ phiếu là phạm vi địa lý hành chính có số dân nhất định, nơi trực tiếp tiến hành bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Việc phân bố khu vực bỏ phiếu được quy định như sau:
Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân chia thành các khu vực bỏ phiếu. Khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Mỗi khu vực bỏ phiếu có từ 300 đến 4 nghìn cử tri. Ở miền núi, vùng cao, hải đảo và những nơi dân cư không tập trung thì dù chưa có đủ 300 cử tri cũng được thành lập một khu vực bỏ phiếu.
Câu 12. Những trường hợp nào có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng?
Trả lời:
Những trường hợp sau đây có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng:
- Đơn vị vũ trang nhân dân;
- Bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà an dưỡng, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, cơ sở chăm sóc người cao tuổi có từ 50 cử tri trở lên;
- Cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trại tạm giam.
Câu 13. Các tổ chức nào phụ trách công tác bầu cử?
Trả lời: Các tổ chức sau đây phụ trách công tác bầu cử:
- Hội đồng bầu cử quốc gia;
- Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban bầu cử ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban bầu cử ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban bầu cử).
- Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã (sau đây gọi chung là Ban bầu cử).
- Tổ bầu cử.
Trong đó: Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử và Tổ bầu cử là những tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.
Câu 14. Những trường hợp nào không được tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương?
Trả lời:
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân không được làm thành viên Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử. Nếu đã là thành viên của Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử thì người ứng cử phải xin rút khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử đó chậm nhất là vào ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử. Trường hợp người ứng cử không có đơn xin rút thì cơ quan đã quyết định thành lập Ban bầu cử, Tổ bầu cử đó ra quyết định xóa tên người ứng cử khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử và bổ sung thành viên khác để thay thế.
(Còn nữa)
Bùi Thị Trang (Sở Tư pháp)
Ý kiến bạn đọc