Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015

06:06, 16/04/2016

Câu 43. Việc bầu cử lại được thực hiện trong trường hợp nào?

Trả lời:

Việc bầu cử lại được thực hiện trong 2 trường hợp sau đây:

- Trường hợp đơn vị bầu cử có số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri.

- Trường hợp khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Câu 44. Việc bầu cử lại được tiến hành ra sao?

Trả lời:

Việc bầu cử lại được tiến hành như sau:

- Trường hợp đơn vị bầu cử có số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri: Ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử lại, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên. Nếu bầu cử lại mà số cử tri đi bầu cử vẫn chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri thì kết quả bầu cử lại được công nhận mà không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai.

- Trường hợp khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử có vi phạm pháp luật nghiêm trọng: Ngày bầu cử lại được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử lại, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên.

Câu 45. Việc giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử?

Trả lời:

Việc giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử được pháp luật quy định như sau:

- Khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội phải được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia chậm nhất là 5 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội.

Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.

- Khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được gửi đến Ủy ban bầu cử chậm nhất là 5 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Ủy ban bầu cử có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.

- Quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng.

Câu 46. Việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội được thực hiện trong trường hợp nào?

Trả lời:

Việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ chỉ được tiến hành khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 2 năm và thiếu trên 10% tổng số đại biểu Quốc hội đã được bầu ở đầu nhiệm kỳ.

Câu 47. Việc bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện trong trường hợp nào?

Trả lời:

Việc bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân trong nhiệm kỳ chỉ được tiến hành khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 18 tháng và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Hội đồng nhân dân thiếu trên một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân đã được bầu ở đầu nhiệm kỳ;

- Đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở nhập, chia, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính hiện có có số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân không đủ hai phần ba tổng số đại biểu được bầu theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Câu 48. Việc xử lý vi phạm pháp luật về bầu cử được quy định ra sao?

Trả lời:

Việc xử lý vi phạm pháp luật về bầu cử được quy định như sau:

Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bùi Thị Trang (Sở Tư pháp)

[links()]


Ý kiến bạn đọc