Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Lâm nghiệp (Kỳ 2)

07:02, 01/07/2018

Câu 8. Việc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được dựa trên căn cứ nào?

Theo Điều 15 của Luật thì việc giao rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác dựa trên các căn cứ sau:

- Kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của UBND cấp huyện được UBND cấp tỉnh phê duyệt; kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Diện tích rừng, đất quy hoạch để trồng rừng;

- Nhu cầu sử dụng rừng thể hiện trong dự án đầu tư đối với tổ chức, đề nghị giao rừng, thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;

- Năng lực quản lý rừng bền vững của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

Câu 9. Những đối tượng nào được Nhà nước giao rừng đặc dụng không thu tiền sử dụng rừng?

Khoản 1 Điều 16 của Luật quy định các đối tượng được Nhà nước giao rừng đặc dụng không thu tiền sử dụng gồm:

- Ban quản lý rừng đặc dụng đối với vườn quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài – sinh cảnh; khu bảo vệ cảnh quan (bao gồm: rừng bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, rừng bảo vệ rừng môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao); rừng giống quốc gia; vườn thực vật quốc gia;

- Tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và lâm nghiệp đối với rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, vườn thực vật quốc gia;

- Ban quản lý rừng phòng hộ, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang đối với khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao xen kẽ trong diện tích rừng được giao;

- Cộng đồng dân cư đối với khu rừng tín ngưỡng mà họ đang quản lý và sử dụng theo truyền thống;

- Tổ chức kinh tế, tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp trong nước đối với rừng giống quốc gia xen kẽ trong diện tích rừng được giao.

Câu 10. Những đối tượng nào được Nhà nước giao rừng phòng hộ không thu tiền sử dụng rừng?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật thì các đối tượng được Nhà nước giao rừng phòng hộ không thu tiền sử dụng rừng gồm:

- Ban quản lý rừng phòng hộ, đơn vị vũ trang đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển;

- Tổ chức kinh tế đối với rừng phòng hộ xen kẽ trong diện tích rừng sản xuất của tổ chức đó;

- Hộ gia đình, cá nhân cư trú hợp pháp trên địa bàn xã nơi có rừng phòng hộ đối với rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển;

- Cộng đồng dân cư cư trú hợp pháp trên địa bàn xã nơi có rừng phòng hộ đối với rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư đó.

 Câu 11. Các đối tượng được Nhà nước giao rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng?

Tại khoản 3 Điều 16 của Luật quy định Nhà nước giao rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng cho các đối tượng sau:

- Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có diện tích rừng; đơn vị vũ trang;

- Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ đối với diện tích rừng sản xuất xen kẽ trong diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được giao cho ban quản lý rừng đó.

Câu 12. Việc chuyển từ loại rừng này sang loại rừng khác phải đáp ứng các điều kiện nào? Những ai có thẩm quyền quyết định chuyển loại rừng?

- Việc chuyển từ loại rừng này sang loại rừng khác phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật, cụ thể:

+ Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp;

+ Đáp ứng các tiêu chí phân loại rừng;

+ Có phương án chuyển loại rừng.

- Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật thì những người sau đây mới có thẩm quyền quyết định chuyển loại rừng:

+ Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển loại rừng đối với khu rừng do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

+ Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định chuyển loại rừng không thuộc thẩm quyền quyết định chuyển loại rừng của Thủ tướng Chính phủ sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương chuyển loại rừng.

Câu 13. Điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được Luật quy định như thế nào?

Điều 19 của Luật quy định các điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác như sau:

- Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác;

- Có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định;

- Có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế.

Câu 14. Các trường hợp Nhà nước thu hồi rừng? Chủ rừng được bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi rừng trong trường hợp nào?

Theo Điều 22 của Luật thì Nhà nước thu hồi rừng trong các trường hợp sau:

- Chủ rừng sử dụng rừng không đúng mục đích, cố ý không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về lâm nghiệp;

- Chủ rừng không tiến hành hoạt động bảo vệ và phát triển rừng sau 12 tháng liên tục kể từ ngày được giao, được thuê rừng, trừ trường hợp bất khả kháng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận;

- Chủ rừng tự nguyện trả lại rừng;

- Rừng được Nhà nước giao, cho thuê khi hết hạn mà không được gia hạn;

- Rừng được giao, được thuê không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng;

- Chủ rừng là cá nhân khi chết không có người thừa kế theo quy định của pháp luật;

- Các trường hợp thu hồi đất có rừng khác theo quy định của Luật Đất đai.

Chủ rừng được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật khi Nhà nước thu hồi rừng vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; giao rừng, cho thuê rừng không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng.

(Còn nữa)

Hoàng Trọng Kiên (Sở Tư pháp)

[links()]


Ý kiến bạn đọc