Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Lâm nghiệp (Kỳ 7)

08:57, 05/08/2018

38. Dịch vụ môi trường rừng bao gồm các loại nào?

Điều 61 của Luật quy định dịch vụ môi trường rừng gồm các loại sau:

- Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối.

- Điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội;

- Hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh;

- Bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch;

- Cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản.

39. Luật quy định đối tượng nào được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng? đối tượng nào phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng?

Khoản 1 Điều 63 của Luật quy định các đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng gồm:

- Chủ rừng được quy định tại Điều 8 của Luật này;

- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hợp đồng nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng là tổ chức do Nhà nước thành lập;

- Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật.

Khoản 2 Điều 63 của Luật thì các đối tượng sau phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng:

- Cơ sở sản xuất thủy điện phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối, điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện;

- Cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch;

- Cơ sở sản xuất công nghiệp phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất công nghiệp;

-  Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng;

- Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn phải chi trả tiền dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng;

- Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải chi trả tiền dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng cho nuôi trồng thủy sản;

- Các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

40. Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện theo hình thức nào?

Khoản 3 Điều 63 của Luật quy định các hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng như sau:

- Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền trực tiếp cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng;

- Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng ủy thác qua quỹ bảo vệ và phát triển rừng;

- Nhà nước khuyến khích áp dụng chi trả trực tiếp cho tất cả các trường hợp nếu bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng tự thỏa thuận trên cơ sở mức tiền chi trả dịch vụ do Chính phủ quy định.

41. Luật quy định chủ rừng có những quyền chung nào?

Điều 73 của Luật quy định quyền chung của chủ rừng gồm:

- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật;

- Được hưởng lâm sản tăng thêm từ rừng do tự đầu tư vào rừng tự nhiên, rừng trồng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ;

- Sử dụng rừng phù hợp với thời hạn giao rừng, cho thuê rừng và thời hạn giao đất, cho thuê đất trồng rừng theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai;

- Được cung ứng dịch vụ môi trường rừng và hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng;

- Được hướng dẫn về kỹ thuật và hỗ trợ khác theo quy định để bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng; được hưởng lợi từ công trình hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng do Nhà nước đầu tư;

- Được Nhà nước bồi thường giá trị rừng, tài sản do chủ rừng đầu tư, xây dựng hợp pháp tại thời điểm quyết định thu hồi rừng;

- Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với chủ rừng phát triển rừng sản xuất khi bị thiệt hại do thiên tai;

- Hợp tác, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để bảo vệ và phát triển rừng;

- Được bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp khác.

(Còn nữa)

Hoàng Thị Hiền (Sở Tư pháp)

[links()]


Ý kiến bạn đọc