Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Thủy sản (Kỳ 5)

06:00, 23/09/2018

Câu 21. Trách nhiệm của tổ chức quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trong việc quản lý nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được pháp luật quy định như thế nào?

Tổ chức quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có những trách nhiệm sau:

- Xây dựng nội dung về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh trong kế hoạch quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ;

- Thực hiện chế độ quản lý nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Bố trí người có chuyên môn về thủy sản làm công tác quản lý nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh;

- Đánh giá hiện trạng nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, thực hiện bảo tồn nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh;

- Báo cáo hằng năm hoặc đột xuất về công tác quản lý nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản.

Câu 22. Pháp luật quy định tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước có trách nhiệm trong việc quản lý nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn đất ngập nước như thế nào?

Tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước có trách nhiệm sau đây:

- Xây dựng nội dung về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản trong kế hoạch quản lý khu bảo tồn đất ngập nước;

- Thực hiện chế độ quản lý nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn đất ngập nước theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Bố trí người có chuyên môn về thủy sản làm công tác quản lý nguồn lợi thủy sản;

- Đánh giá hiện trạng nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn đất ngập nước;

- Báo cáo hằng năm hoặc đột xuất về công tác quản lý nguồn lợi thủy sản cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản.

Câu 23. Pháp luật quy định về quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản như thế nào?

Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương và cấp tỉnh để huy động các nguồn lực của xã hội cho công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Câu 24. Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được hoạt động dựa trên nguyên tắc nào?

Nguyên tắc hoạt động của quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được quy định như sau:

- Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận;

- Hỗ trợ cho các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư;

- Bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

Câu 25. Pháp luật quy định giống thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các yêu cầu gì?

Giống thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

- Thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam;

- Được công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định;

- Có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng;

- Được kiểm dịch theo quy định của pháp luật.

Câu 26. Để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện thì tổ chức, cá nhân sản xuất giống thủy sản phải đáp ứng những điều kiện gì?

Tổ chức, cá nhân sản xuất giống thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất phù hợp với loài thủy sản; có nơi cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập;

- Có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học;

- Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học;

- Trường hợp sản xuất giống thủy sản bố mẹ phải có giống thủy sản thuần chủng hoặc giống thủy sản được công nhận thông qua khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Câu 27. Để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện thì tổ chức, cá nhân ương dưỡng giống thủy sản phải đáp ứng những điều kiện gì?

Tổ chức, cá nhân ương dưỡng giống thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất phù hợp với loài thủy sản; có nơi cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập;

- Có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học;

- Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học.

(Còn nữa)

Nguyễn Thị Hương (Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.