Tìm hiểu về Luật Thủy sản (Kỳ 6)
Câu 28. Pháp luật quy định trường hợp nào thì giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bị thu hồi?
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của giấy chứng nhận;
- Cơ sở không còn đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản;
- Cơ sở có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi giấy chứng nhận.
Câu 29. Quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản được pháp luật quy định như thế nào?
Tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có quyền sau đây:
- Sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo nội dung của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản;
- Được tham gia tập huấn về quy định liên quan đến giống thủy sản;
- Quảng cáo giống thủy sản theo quy định của pháp luật về quảng cáo;
- Khiếu nại, tố cáo, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Câu 30. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản được pháp luật quy định như thế nào?
Tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng giống thủy sản đã công bố;
- Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng để bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn đã công bố;
- Sản xuất giống thủy sản có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam; bảo đảm an toàn sinh học trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản;
- Thực hiện ghi nhãn giống thủy sản theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;
- Cập nhật thông tin, báo cáo trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản theo quy định;
- Thực hiện ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phục vụ truy xuất nguồn gốc;
- Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Tuân thủ quy định về thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ.
Câu 31. Pháp luật quy định những trường hợp nào được xuất khẩu giống thủy sản?
Tổ chức, cá nhân được xuất khẩu giống thủy sản trong các trường hợp sau đây:
- Không có tên trong Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu;
- Đáp ứng điều kiện trong Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện;
- Trường hợp vì mục đích nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế cần xuất khẩu giống thủy sản có tên trong Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu hoặc Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Câu 32. Pháp luật quy định giống thủy sản được kiểm định trong những trường hợp nào?
Giống thủy sản được kiểm định trong trường hợp sau:
- Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong trường hợp có khiếu nại, tố cáo.
Câu 33. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở thực hiện việc kiểm định giống thủy sản được pháp luật quy định như thế nào?
Cơ sở thực hiện việc kiểm định giống thủy sản có quyền và nghĩa vụ sau:
- Được tham gia vào hoạt động kiểm định giống thủy sản theo quy định của pháp luật;
- Được thanh toán chi phí kiểm định theo quy định;
- Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả kiểm định giống thủy sản cho bên thứ ba, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
- Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định;
- Bảo đảm an toàn sinh học, bảo vệ môi trường trong quá trình kiểm định.
Câu 34. Pháp luật quy định về điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản như thế nào?
Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Địa điểm sản xuất nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại;
- Khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài;
- Nhà xưởng, trang thiết bị phù hợp với từng loại sản phẩm;
- Có điều kiện phân tích chất lượng trong quá trình sản xuất;
- Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học;
- Có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học, hóa học hoặc công nghệ thực phẩm.
(Còn nữa)
Nguyễn Thị Hương (Sở Tư pháp)
Ý kiến bạn đọc