Tìm hiểu về Luật Chăn nuôi (Kỳ 5)
Câu 18. Trường hợp chăn nuôi nông hộ phải đảm bảo các điều kiện nào của Luật Chăn nuôi?
Điều 56 Luật Chăn nuôi quy định chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
1. Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người;
2. Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi;
3. Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
Câu 19. Theo Luật Chăn nuôi, đối với chăn nuôi nông hộ chủ chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu gì trong xử lý chất thải chăn nuôi?
Theo quy định tại Điều 60 Luật Chăn nuôi, trong xử lý chất thải chăn nuôi chủ chăn nuôi nông hộ phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
1. Có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh;
2. Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
Câu 20. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi có quyền và nghĩa vụ gì theo quy định của Luật Chăn nuôi?
Theo quy định tại Điều 57 Luật Chăn nuôi, tổ chức, cá nhân chăn nuôi có các quyền và nghĩa vụ sau:
1. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi có quyền sau đây:
a) Tổ chức, cá nhân đã thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54 của Luật này được hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất khi bị thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật;
b) Được hưởng chính sách của Nhà nước có liên quan đến hoạt động chăn nuôi;
c) Được tập huấn, đào tạo về chăn nuôi;
d) Quảng bá sản phẩm theo quy định của pháp luật;
đ) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi có nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54 của Luật này;
b) Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi;
c) Xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
d) Bảo đảm đối xử nhân đạo với vật nuôi theo quy định của pháp luật.
Câu 21. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang phát triển phong trào nuôi chim yến, xin cho biết việc quản lý nuôi chim yến được quy định như thế nào trong Luật Chăn nuôi?
Tại Điều 64 Luật Chăn nuôi quy định việc quản lý nuôi chim yến như sau:
1. Dẫn dụ chim yến là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để thu hút chim yến về làm tổ trong nhà yến.
2. Hoạt động nuôi chim yến bao gồm dẫn dụ, ấp nở, gây nuôi chim yến và khai thác tổ yến.
3. Tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi chim yến trong vùng nuôi chim yến phải bảo đảm môi trường, tiếng ồn, phòng ngừa dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Câu 22. Nuôi ong mật là thế mạnh của địa phương, Luật Chăn nuôi quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nuôi ong lấy mật như thế nào?
Theo quy định tại Điều 65 Luật Chăn nuôi thì tổ chức, cá nhân nuôi ong lấy mật phải bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn ong, vệ sinh môi trường nơi nuôi ong, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm khai thác từ ong mật.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân nuôi ong còn có trách nhiệm, nghĩa vụ chung của tổ chức, cá nhân chăn nuôi được quy định tại Điều 57 Luật Chăn nuôi.
Câu 23. Luật Chăn nuôi quy định như thế nào về đối xử nhân đạo với vật nuôi?
Luật Chăn nuôi quy định riêng một mục (Mục 2 Chương V) gồm các điều từ Điều 69 đến Điều 72 quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi, trong đó có quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, nghiên cứu khoa học và hoạt động khác.
(Còn nữa)
Châu Thị Thu Thủy (Sở Tư pháp)
[links()]
Ý kiến bạn đọc