Tìm hiểu về Luật Trồng trọt (Kỳ 5)
Câu 15. Yêu cầu về công nhận phân bón lưu hành được pháp luật quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 36 Luật Trồng trọt thì yêu cầu về công nhận phân bón lưu hành được quy định như sau:
- Phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, trừ phân bón hữu cơ được sản xuất để sử dụng không vì mục đích thương mại, phân bón được nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật Trồng trọt; phân bón được sản xuất để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
- Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có thời hạn là 5 năm và được gia hạn.
- Tổ chức, cá nhân trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh công ty hoạt động trong lĩnh vực phân bón tại Việt Nam được đứng tên đăng ký công nhận lưu hành phân bón.
- Mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận một tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón.
Câu 16. Theo Luật Trồng trọt, cần phải đáp ứng những điều kiện gì để được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành?
Khoản 1 Điều 37 Luật Trồng trọt quy định về việc cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành như sau:
- Điều kiện cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam bao gồm:
+ Đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón;
+ Có kết quả khảo nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia, trừ loại phân bón quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật Trồng trọt.
Câu 17. Tổ chức, cá nhân được cấp lại hoặc gia hạn Quyết định công nhận phân bón lưu hành trong trường hợp nào?
Theo quy định tại Khoản 2, khoản 3 Điều 37 Luật Trồng trọt thì tổ chức, cá nhân được cấp lại hoặc gia hạn Quyết định công nhận phân bón lưu hành như sau:
- Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam được cấp lại trong trường hợp sau đây:
+ Thay đổi, bổ sung thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành;
+ Quyết định công nhận phân bón lưu hành bị mất, hư hỏng;
+ Thay đổi tên phân bón theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.
- Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam được gia hạn khi đáp ứng điều kiện sau đây:
+ Khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu;
+ Đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón;
+ Báo cáo tình hình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và sử dụng phân bón theo quy định.
Câu 18. Tổ chức, cá nhân bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam được pháp luật quy định như thế nào?
Điều 38 Luật Trồng trọt quy định về việc hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam như sau:
- Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam bị hủy bỏ trong trường hợp sau đây:
+ Có bằng chứng khoa học mới về phân bón có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường;
+ Phát hiện sử dụng tài liệu giả hoặc cung cấp thông tin trong tài liệu không đúng với phân bón đã được công nhận lưu hành.
- Việc hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam được thực hiện như sau:
+ Đối với trường hợp “Có bằng chứng khoa học mới về phân bón có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường”, cơ quan quản lý chuyên ngành về phân bón tổng hợp thông tin đánh giá và xem xét hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân được sản xuất, nhập khẩu phân bón này tối đa là 6 tháng; được mua bán, sử dụng tối đa là 12 tháng kể từ ngày quyết định hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có hiệu lực;
+ Đối với trường hợp “Phát hiện sử dụng tài liệu giả hoặc cung cấp thông tin trong tài liệu không đúng với phân bón đã được công nhận lưu hành”, cơ quan quản lý chuyên ngành về phân bón kiểm tra, rà soát hồ sơ, tài liệu công nhận phân bón để xem xét hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân phải chấm dứt ngay việc sản xuất, nhập khẩu, mua bán, sử dụng phân bón kể từ ngày quyết định hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có hiệu lực.
(Còn nữa)
Hoàng Phạm Hùng Cường (Sở Tư pháp)
[links()]
Ý kiến bạn đọc