Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Trồng trọt (Kỳ 8)

08:59, 20/10/2019

Câu 27. Luật Trồng trọt quy định như thế nào về việc sử dụng sinh vật có ích trong canh tác?

Điều 59 Luật Trồng trọt quy định về việc sử dụng sinh vật có ích như sau:

- Sinh vật có ích trong canh tác bao gồm các sinh vật có vai trò ổn định và cải tạo độ phì nhiêu của đất, tăng sức chống chịu và khả năng sinh trưởng của cây trồng, bảo quản, chế biến sản phẩm và phụ phẩm từ cây trồng, phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng, thụ phấn cho cây trồng và mục đích có lợi khác.

- Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động canh tác phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để bảo vệ và phát huy hiệu quả của sinh vật có ích.

- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức điều tra, đánh giá nguồn sinh vật có ích để có biện pháp bảo vệ và khai thác phù hợp; ban hành Danh mục các loài, chủng sinh vật có ích sử dụng trong canh tác.

Câu 28. Theo Luật Trồng trọt thì trang thiết bị và vật tư nông nghiệp trong canh tác bao gồm những trang thiết bị và vật tư nào?

Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 60 Luật Trồng trọt thì trang thiết bị và vật tư nông nghiệp trong canh tác bao gồm:

- Trang thiết bị trong canh tác bao gồm nhà kính, nhà lưới, máy móc và dụng cụ phục vụ sản xuất, tưới tiêu, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến.

- Vật tư nông nghiệp trong canh tác bao gồm:

+ Giống cây trồng;

+ Phân bón;

+ Thuốc bảo vệ thực vật;

+ Giá thể trồng cây, màng phủ đất, vật liệu giữ ẩm;

+ Hóa chất, chế phẩm sinh học sử dụng trong hoạt động trồng trọt không thuộc vật tư quy định tại điểm b và điểm c khoản này.

Câu 29. Tổ chức, cá nhân sử dụng trang thiết bị và vật tư nông nghiệp trong canh tác phải đáp ứng yêu cầu gì?

Theo quy định tại Điều 61 Luật Trồng trọt thì yêu cầu về sử dụng trang thiết bị và vật tư nông nghiệp trong canh tác gồm:

- Tổ chức, cá nhân hoạt động canh tác chỉ được sử dụng vật tư nông nghiệp trong canh tác được phép sử dụng, lưu hành theo quy định của pháp luật; tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn hoặc của tổ chức, cá nhân sản xuất vật tư nông nghiệp.

- Tổ chức, cá nhân sử dụng vật tư nông nghiệp trong canh tác phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, an toàn thực phẩm và hạn chế lan truyền sinh vật gây hại.

- Tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật Trồng trọt.

- Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Câu 30. Nhà nước có chính sách như thế nào về việc phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung?

Điều 62 Luật Trồng trọt quy định về việc phát triển vùng sản xuất hàng hoá tập trung như sau:

-  Phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung phải phù hợp với tính chất lý, hóa học của đất, khí hậu, nguồn nước, đặc tính sinh học của cây trồng, lợi thế vùng; bảo đảm xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến và thị trường.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập kế hoạch, đề án phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với quy hoạch.

Câu 31. Nhà nước có trách nhiệm gì trong việc phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất?

Điều 63 Luật Trồng trọt quy định về hình thức hợp tác, liên kết sản xuất như sau:

- Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết tại vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở hợp đồng; tạo điều kiện cấp chứng nhận chất lượng và truy xuất nguồn gốc; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia.

- Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:

+ Tạo điều kiện và hỗ trợ các bên tham gia đàm phán, ký kết, thực hiện cam kết trong hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm;

+ Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần và xúc tiến thương mại sản phẩm cho vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

  (Còn nữa)

Hoàng Phạm Hùng Cường (Sở Tư pháp)

[links()]


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.