Tìm hiểu về Luật Trồng trọt (Tiếp theo và hết)
09:48, 02/11/2019
Câu 35. Theo quy định của Luật Trồng trọt thì tổ chức, cá nhân canh tác có nghĩa vụ như thế nào trong canh tác?
Theo quy định tại Điều 74 Luật Trồng trọt thì tổ chức, cá nhân canh tác có các nghĩa vụ sau:
- Chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm cây trồng do mình sản xuất; bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, tài nguyên nước, sinh vật có ích, cơ sở hạ tầng. Sử dụng vật tư nông nghiệp trong canh tác được phép lưu hành theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất vật tư nông nghiệp.
- Áp dụng quy trình sản xuất phù hợp để ổn định và cải thiện độ phì của đất; hạn chế ô nhiễm và suy thoái đất, lan truyền sinh vật gây hại.
- Chủ động ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống sinh vật gây hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Kịp thời thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã khi xảy ra ô nhiễm môi trường, bùng phát dịch hại.
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương.
- Thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng.
Câu 36. Việc phát triển thị trường và thương mại sản phẩm cây trồng được Luật Trồng trọt quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Trồng trọt thì việc phát triển thị trường và thương mại sản phẩm cây trồng thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại, quản lý ngoại thương và quy định khoản 2 và khoản 3 Điều này, cụ thể như sau:
- Phát triển thị trường sản phẩm cây trồng bao gồm:
+ Dự báo thị trường và định hướng phát triển sản phẩm cây trồng trong từng thời kỳ;
+ Đàm phán và thực hiện mở cửa thị trường; tháo gỡ rào cản để sản phẩm cây trồng của Việt Nam được nhập khẩu vào các quốc gia và vùng lãnh thổ;
+ Xây dựng chợ đầu mối; xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu sản phẩm cây trồng.
- Tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cây trồng; xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, thương mại trong nước và xuất khẩu được hưởng chính sách quy định tại Điều 4 của Luật này và chính sách khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Câu 37. Tổ chức, cá nhân muốn xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm cây trồng phải đáp ứng những yêu cầu nào?
Điều 78 Luật Trồng trọt quy định về việc xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm cây trồng như sau:
- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm cây trồng phải có tài liệu truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Tổ chức, cá nhân xuất khẩu sản phẩm cây trồng thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Câu 38. Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ gì trong thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cây trồng?
Điều 80 Luật Trồng trọt quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cây trồng như sau:
- Tổ chức, cá nhân thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cây trồng có quyền sau đây:
+ Được hỗ trợ liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, thương mại sản phẩm cây trồng;
+ Được hưởng chính sách quy định tại Điều 4 của Luật này và chính sách khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Tổ chức, cá nhân bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cây trồng có nghĩa vụ sau đây:
+ Tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
+ Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hoàng Phạm Hùng Cường
(Sở Tư pháp)
[links()]
Ý kiến bạn đọc