Multimedia Đọc Báo in

Hỏi - đáp một số quy định pháp luật liên quan đến Bộ luật Lao động năm 2019

10:03, 12/06/2020

Ngày 20-11-2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Nhiều công dân đã có những câu hỏi, đặt ra tình huống xin được tư vấn, giải đáp khi áp dụng, thi hành theo bộ luật này.

Ảnh minh họa
(Ảnh minh họa)

Hỏi: Tôi xin làm nhân viên thu ngân tại siêu thị nhỏ cách nhà 10 km, chủ siêu thị đã yêu cầu tôi phải đưa giấy chứng minh nhân dân cho họ giữ mới cho ký hợp đồng lao động. Cho tôi hỏi chủ siêu thị có được giữ giấy chứng minh nhân dân của tôi không?

(Nguyễn Thị H.)

Trả lời: Giấy tờ tùy thân là khái niệm phổ biến trong đời sống xã hội, được hiểu là các giấy tờ mà công dân thường mang theo người. Tuy nhiên, trên phương diện pháp luật thì đến nay chưa có văn bản nào định nghĩa giấy tờ tùy thân là gì, gồm những loại giấy nào. Một số văn bản, quy định một loại giấy tờ cụ thể là giấy tờ tùy thân chứ không mang tính liệt kê. Theo Điều 1 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3-2-1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 106/2013/NĐ-CP ngày 17-9-2013) thì chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Tại Điều 17 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 thì các hành vi mà người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng đó là:

- Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

- Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

- Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.

Như vậy, theo quy định trên thì chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân; do đó, đối với trường hợp của chị H. thì chủ siêu thị không được quyền giữ giấy chứng minh nhân dân của chị, nếu muốn giữ thì có thể yêu cầu chị cho giữ bản photo giấy chứng minh nhân dân hoặc bản sao có chứng thực.

Hỏi: Hiện tôi đang làm nhân viên kế toán cho công ty cổ phần xây dựng, tôi muốn nhận thêm công việc là nhân viên thu ngân cho một quán cà phê vào buổi tối. Cho tôi hỏi, theo quy định của pháp luật thì tôi có được giao kết hợp đồng lao động với quán cà phê trên không?

(Phạm Thanh Q.)

Trả lời: Điều 19 Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 quy định về giao kết nhiều hợp đồng lao động như sau:

- Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.

- Người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

Như vậy theo quy định trên, chị Q. có quyền giao kết hợp đồng lao động với cơ sở kinh doanh thực phẩm và trong quá trình thực hiện các hợp đồng phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.

Hỏi: Tôi tốt nghiệp hệ cao đẳng và được nhận vào làm việc cho công ty kinh doanh vận tải tại TP. Buôn Ma Thuột đúng chuyên ngành mình đã học. Theo quy định của công ty thì tôi phải thử việc trong thời gian 2 tháng, mức lương trong thời gian thử việc bằng 70% mức lương công việc của một người làm chính thức. Tôi muốn hỏi công ty làm như vậy có đúng không?     

(Nguyễn Minh T.)

Trả lời: Điều 25 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 quy định về thời gian thử việc như sau:

- Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng  vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

- Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Đối với trường hợp của anh T. (tốt nghiệp hệ cao đẳng) thì công ty yêu cầu thời gian thử việc 2 tháng là đúng với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, mức lương công ty trả cho anh T. trong thời gian thử việc (bằng 70% mức lương công việc của một người làm chính thức) là không đúng quy định của pháp luật hiện hành, vì theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Lao động năm 2019 về tiền lương thử việc thì tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó. Do đó, anh T. có thể căn cứ vào quy định này để đòi quyền lợi về tiền lương của mình.

(Còn nữa)

                                             Hoàng Thị Hiền (Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.