Tìm hiểu quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Kỳ cuối)
Câu 43. Biện pháp bảo vệ cá nhân trong thời gian có dịch được quy định như thế nào?
Điều 51 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về các biện pháp bảo vệ cá nhân trong thời gian có dịch, như sau:
(1) Người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch phải thực hiện một hoặc một số biện pháp bảo vệ cá nhân sau đây: Trang bị bảo vệ cá nhân; Sử dụng thuốc phòng bệnh; Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế để phòng bệnh; Sử dụng hoá chất diệt khuẩn, hoá chất phòng trung gian truyền bệnh.
(2) Nhà nước bảo đảm cho người tham gia chống dịch thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như: trang bị bảo vệ cá nhân; sử dụng thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế để phòng bệnh; sử dụng hoá chất diệt khuẩn, hoá chất phòng trung gian truyền bệnh.
Câu 44. Việc kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A được thực hiện bằng những biện pháp nào?
Điều 53 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định các biện pháp kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A bao gồm:
(1) Hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện; trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế;
(2) Cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch;
(3) Thực hiện các biện pháp như: trang bị bảo vệ cá nhân; sử dụng thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế để phòng bệnh; sử dụng hoá chất diệt khuẩn, hoá chất phòng trung gian truyền bệnh đối với người vào vùng có dịch;
(4) Các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch thành lập các chốt, trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông ra, vào vùng có dịch để thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như: trang bị bảo vệ cá nhân; sử dụng thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế để phòng bệnh; sử dụng hoá chất diệt khuẩn, hoá chất phòng trung gian truyền bệnh.
Câu 45. Các biện pháp nào sẽ được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch?
Điều 54 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch, bao gồm:
(1) Thành lập Ban chỉ đạo chống dịch trong tình trạng khẩn cấp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 46 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
(2) Trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, Trưởng Ban chỉ đạo có quyền: Huy động, trưng dụng các nguồn lực quy định tại Điều 55 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Đặt biển báo hiệu, trạm gác và hướng dẫn việc đi lại tránh vùng có dịch; Yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch; Cấm tập trung đông người và các hoạt động khác có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; Cấm người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch; Tổ chức tẩy uế, khử độc trên phạm vi rộng; Tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người; Áp dụng các biện pháp khác như: Khai báo, báo cáo dịch tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức cách ly y tế; vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân và các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch; kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A; thực hiện các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch; huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch; hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch.
Câu 46. Chế độ đối với người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và người tham gia chống dịch được quy định như thế nào?
Điều 59 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định chế độ đối với người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và người tham gia chống dịch như sau:
(1) Người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm được hưởng các chế độ phụ cấp nghề nghiệp và các chế độ ưu đãi khác.
(2) Người tham gia chống dịch được hưởng chế độ phụ cấp chống dịch và được hưởng chế độ rủi ro nghề nghiệp khi bị lây nhiễm bệnh.
(3) Trong quá trình chống dịch, khi người tham gia chống dịch dũng cảm cứu người mà bị chết hoặc bị thương thì được xem xét để công nhận là liệt sỹ hoặc thương binh, hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
(4) Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể các chế độ đối với người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và người tham gia chống dịch.
Nguyễn Tuấn Quang (Sở Tư pháp)
Ý kiến bạn đọc