Multimedia Đọc Báo in

Gìn giữ và bảo tồn Khu căn cứ Cách mạng Cư Dju – Dliê Ya

08:43, 22/05/2010

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Dak Lak về điều tra khảo sát khu căn cứ kháng chiến cũ Cư Dju – Dliê Ya, Trung tâm Quản lý di tích đã tổ chức đoàn đi khảo sát tại khu vực rừng già nguyên sinh phía tây núi Cư Dju – Dliê Ya,  huyện Ea H’leo.

 

Sơ đồ đường đi khảo sát căn cứ Cư Dju - Dlê Ya.
Sơ đồ đường đi khảo sát Khu căn cứ Cư Dju - Dliê Ya.

Tại đây, đoàn đã tìm được những vị trí quan trọng, như: nơi đã diễn ra Đại hội I (8-1960); địa điểm thành lập Đội cảnh vệ, Thông tin cơ yếu, cơ quan Quân sự đầu tiên của tỉnh (nay là Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh); Bệnh xá tỉnh. Tại các địa điểm này, đoàn khảo sát đã quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn nhân chứng xác định tọa độ và đánh dấu bằng sơn. Như vậy, qua đợt khảo sát này cùng với các đợt khảo sát trước đó, đoàn đã tìm được toàn bộ những địa điểm quan trọng nhất thuộc khu căn cứ kháng chiến cũ của tỉnh Dak Lak đóng tại Cư Dju – Dliê Ya gồm: Cơ quan K91-khu căn cứ kháng chiến đầu tiên của tỉnh; đầu suối Ea Heang (nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Dak Lak lần I, 8-1960 cũng là Đại hội thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng về đường lối Cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ); suối Ea Tral (Đại hội Đảng bộ tỉnh lần II, 3-1963); suối Ea M’Tlan (Đại hội Đảng bộ tỉnh lần VI, 9-1972); cùng với các cơ quan khác: Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, trụ sở của Cơ quan UBND Cách mạng lâm thời tỉnh (1973), Trường Đảng tỉnh….

Đồng chí Lê Chí Quyết.
Đồng chí Lê Chí Quyết.


Các chuyến đi khảo sát là cực kỳ gian nan, vất vả nhưng những nhân chứng tuy tuổi cao sức yếu vẫn nhiệt tình tham gia cùng đoàn tìm về chiến trường xưa, đó là các đồng chí Lê Chí Quyết, Ama Thương, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Lê Chí Quyết nhớ lại: “Hơn 40 năm trôi qua tôi mới có dịp cùng đồng đội quay lại khu căn cứ xưa, thực sự tôi rất xúc động, người dân ở đây vẫn vẹn nguyên tình cảm với cách mạng. Nhớ về những đồng đội đã hy sinh, có người mãi nằm lại trong hang đá mà chưa thể qui tập được, tôi cảm nhận được mình là con người may mắn, hạnh phúc nhất vì được sống đến ngày nay. Tôi mong muốn, Tỉnh ủy Dak Lak có kế hoạch phối hợp với tỉnh Gia Lai sớm phục hồi, tôn tạo và quản lý khu di tích, tránh sự phá hoại của thiên nhiên, nhất là lâm tặc, để có thể biến nơi đây thành khu du lịch giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước biết đến”. Còn đồng chí Ama Thương, tuy đã 83 tuổi, vẫn hăng hái đi theo đoàn khảo sát tới 3 lần, nói: “Với ý nghĩ có quá khứ mới có hiện tại và mai sau nên tôi vẫn cố gắng theo đoàn, tuy đi bộ, leo cao vất vả nhưng nghĩ đến việc tìm về nơi căn cứ kháng chiến xưa để chỉnh trang, bảo tồn nó làm nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ con cháu mai sau, tôi như xóa tan hết mệt mỏi”.

Đồng chí Ama Thương.
Đồng chí Ama Thương.


Trải dài trên diện tích khá rộng không chỉ ở Ea H’leo mà còn lấn sang các huyện: Krông Bông, Krông Năng, M’Drak và một phần huyện Krông Pa (nay thuộc tỉnh Gia Lai), Khu căn cứ kháng chiến Cư Dju - Dliê Ya được xem là khu căn cứ quan trọng nhất của Tỉnh ủy Dak Lak. Sau Hiệp định Genever (1954), trước khi tập kết ra Bắc, Ban Cán sự tỉnh đã chỉ đạo 120 đồng chí ở lại bám dân, bám đất và hình thành nên khu căn cứ Tỉnh ủy vào 1955. Trải qua 13 năm, 2 giai đoạn: 1955-1964;  1972-1975 với 3 kỳ Đại hội Đảng, Tỉnh ủy đã đưa ra nhiều kế hoạch, chiến lược kháng chiến, phối hợp với bộ đội chủ lực giải phóng tỉnh Dak Lak (3-1975). Do đó, xác định khu căn cứ kháng chiến của tỉnh có một ý nghĩa rất quan trọng giúp chúng ta củng cố, bổ sung thêm tư liệu vào lịch sử Đảng bộ tỉnh Dak Lak. Qua đó khắc ghi thêm những trang sử vẻ vang, truyền đạt lại cho thế hệ mai sau về quá trình đấu tranh gian khổ, hào hùng của quân, dân các dân tộc tỉnh Dak Lak trong cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Theo ông Trương Bi, Phó Giám đốc Sở VHTT-DL, việc tìm lại Khu căn cứ Cư Dju - Dliê Ya không chỉ bổ sung thêm tài liệu cho lịch sử Đảng bộ tỉnh mà còn lập hồ sơ Khu di tích kháng chiến trình Bộ VHTT-DL chứng nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Tiếp đó, sẽ tổ chức các chuyến du lịch về nguồn, củng cố các điểm mốc quan trọng, tiến hành trùng tu, cải tạo và phát huy các giá trị của khu di tích để giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.

                                                                                           Hoàng Gia

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.