Multimedia Đọc Báo in

Mẹ mãi là niềm tin

17:27, 01/09/2010

Nước mắt Mẹ không còn vì khóc thương chồng, khóc thương những người con đã mãi mãi ra đi vì hạnh phúc sum vầy của triệu triệu gia đình, vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nuốt nước mắt vào trong, nén nỗi đau thành ngọn lửa cách mạng, Mẹ vững tâm bền lòng vượt qua những thử thách của cuộc sống để tiếp tục thay chồng con cống hiến cho cách mạng, tiếp tục làm tròn thiên chức của người vợ, người mẹ. Xin cảm ơn Người -  Mẹ Việt Nam Anh hùng…

Vượt lên mất mát để sống kiên cường
Khi chúng tôi tới nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Công, mẹ đang thong dong nhặt lá úa cho mấy chậu cây cảnh, mái tóc bạc búi cao, khuôn mặt đầy thư thái. Thấy chúng tôi, mẹ nở nụ cười đôn hậu. Nhìn vẻ bề ngoài của mẹ Công, chẳng mấy ai ngờ đời mẹ phải chịu nhiều hy sinh quá đỗi lớn lao.
Năm 1954, khi chồng tập kết ra Bắc, một mình mẹ Công ở quê nhà (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) làm lụng chắt chiu nuôi 4 đứa con. Năm 1960, tiễn người con trai đầu và cũng là người con trai duy nhất Ngô Đình Khôi lên đường nhập ngũ, mẹ không thể ngờ rằng đó cũng là lần cuối cùng gặp mặt đứa con thân yêu. Năm 1962, niềm vui khi biết tin chồng về công tác tại Đặc khu Quảng Đà (Quảng Nam, Đà Nẵng ngày nay) chưa trọn thì cái tin người con trai hy sinh tại chiến trường Tiên Phước (phía tây Quảng Nam) khiến mọi thứ như sụp đổ trước mắt mẹ Công. Chưa hết nỗi đau này lại chồng chất nỗi đau khác, năm 1967, mẹ lại tiếp tục đón nhận hung tin người chồng, người cha thân yêu của các con cũng đã hy sinh trên đường đi công tác. Nén nỗi đau trong lòng, mẹ lần lượt tiễn các con đi làm cách mạng. Không còn con trai thì mẹ tiễn con gái. Thế rồi bàn tay tử thần của chiến tranh lại tiếp tục cướp đi những người thân yêu của mẹ. Năm 1969, chị Ngô Thị Bốn, con gái thứ 3 của mẹ là du kích địa phương, hy sinh khi đang thi hành nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Công nhân dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ vừa qua.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Công nhân dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ vừa qua.

Chiến tranh vẫn tiếp diễn, mẹ Công đã biến nỗi đau mất chồng con thành ý chí căm thù, sống kiên cường bất khuất, trung thành với cách mạng. Giữa chiến tranh ác liệt, mẹ và 2 người con gái vẫn tiếp tục bám trụ vùng giải phóng. Hai con gái của mẹ là Ngô Thị Ba và Ngô Thị Năm tham gia công tác ở địa phương, còn bản thân mẹ thì nuôi giấu cán bộ và giúp đỡ du kích địa phương. Với niềm tin kiên định là dù có bom rơi, đạn nổ, dù người thân của mình có mất đi nhưng nhất định quê hương mình rồi đây sẽ được giải phóng, niềm tin ấy đã giúp không chỉ riêng mẹ và hai người con gái mà còn giúp tất cả đồng bào ta niềm tin mãnh liệt để sống, để vượt qua đau thương cho đến ngày thắng lợi. Đất nước giải phóng, gia đình đoàn tụ chỉ vỏn vẹn 3 người phụ nữ, trong đó, mẹ mang bao nỗi đau tinh thần, còn 2 chị Ba và chị Năm đều là những thương binh nặng.

Giờ đây, ở tuổi 90, mẹ Công vẫn sống giản dị cùng gia đình người con gái út- thương binh Ngô Thị Năm tại tổ dân phố 9, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột. Bù đắp lại những đau thương của mẹ người nào là niềm hạnh phúc về những người con gái, con rể và các cháu hiếu thảo. Sự hy sinh cao cả của gia đình mẹ cũng như triệu triệu gia đình Việt Nam trong kháng chiến chống ngoại xâm đã viết nên bản anh hùng ca về ý chí kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Ba lần tiễn con đi...
Mẹ Việt Nam Anh hùng Vương Thị Liền (thị trấn Phước An, huyện Krông Pak) có chồng và 3 người con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Mẹ năm nay đã 104 tuổi nhưng ký ức về những tháng ngày nuôi giấu bộ đội, những lần tiễn chồng, con ra lửa đạn vẫn không phai nhòa…

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Vương Thị Liền nhân dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ vừa qua.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Vương Thị Liền nhân dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ vừa qua.

Mẹ kể, chiến tranh ác liệt lắm, các con trưởng thành, mẹ động viên các con thoát ly gia đình tòng quân giết giặc. Tiễn các con ra đi mẹ dự cảm rằng con mình sẽ khó trở về nhưng không thể ngăn con ra trận bởi lẽ: “Nếu ai cũng sợ chết thì đến khi nào đất nước mới được giải phóng”. Rồi khi các con lên đường đánh giặc, ở nhà mẹ cũng là một trong những cơ sở cách mạng vững chắc, nuôi giấu cán bộ, lo cho bộ đội từng nắm cơm, chén nước; các anh ở trong nhà mẹ nuôi, có sắn ăn sắn, có khoai ăn khoai, ban ngày mẹ xách vó ra sông, bắt thêm con cá, con tép về cải thiện bữa ăn. Giữa lúc chiến tranh ác liệt, năm 1967, người con trai thứ của mẹ hy sinh mà không tìm được xác. Rồi buổi tối năm 1969, một người đồng đội của con trai về thăm mẹ, lặng lẽ xin phép thắp nén hương, sáng hôm sau ra đi để lại trên bàn thờ tờ giấy báo tử đứa con thứ hai. Nhìn mà ứa nước mắt, mẹ biết, lại một khúc ruột của mình đã vĩnh viễn không trở về… Sau đó, năm 1972, lần lượt là giấy báo tử của chồng, con gái. Chưa đầy 5 năm nhận đến 4 cái giấy báo tử, mẹ lặng người đi, không dám tin nổi đó là sự thật nhưng vẫn cố im lặng, nuốt nước mắt vào lòng, biến đau thương thành sức mạnh, tiếp tục phục vụ cho cách mạng và nuôi dạy các con vững chí đấu tranh.

Những ngày khói lửa đã lùi xa, chồng, hai người con của mẹ hy sinh không tìm được xác, lại có người không kịp để lại một bức di ảnh để thờ cúng. Những lúc buồn nhớ các con, mẹ lại ôm tấm Bằng Tổ quốc ghi công như ôm đứa con của mình, nước mắt rưng rưng nhưng vẫn tin rằng ở đâu đó, các anh đã ngủ yên lành trên mảnh đất quê hương đang phủ dần màu xanh và ấm áp tình người...

Biến nỗi đau thương thành sức mạnh
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 là mốc son trong lịch sử dân tộc. Với Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Bốc ở thôn 1, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột ngoài niềm hạnh phúc tự hào như bao người dân khác, đó còn là một dấu mốc với nỗi đau chưa bao giờ vơi cạn. Năm 1968 khi chưa đầy 45 tuổi chỉ trong 1 năm mẹ 4 lần chít vành khăn tang trên đầu: Chồng và ba con của mẹ hy sinh. Hai hàng nước mắt lăn dài trên gương mặt hằn in nhiều nếp nhăn nhuốm màu năm tháng, mẹ kể: Quê mẹ ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Chồng và con trai thứ 3 hy sinh do bị địch bắn khi đang làm công trình thủy lợi của xã; con trai thứ 5 là bộ đội đặc công, hy sinh lúc đang làm nhiệm vụ; còn con gái thứ 4 hy sinh khi đang là dân công giúp bộ đội mở đường thông xe. Mẹ vẫn còn nhớ như in hình ảnh đứa con gái mới 22 tuổi, khi đồng đội đưa về tay vẫn còn nắm chặt tóc, mẹ đau đớn nhìn con chết trên tay mình mà không thể làm gì để cứu được con. Nỗi đau càng dày vò khi hai con trai mẹ hy sinh chưa tìm thấy di hài. Mẹ khóc đến khô ruột héo lòng những tưởng sẽ không thể gượng dậy. Nhưng tiếng khóc của 6 đứa con thơ dại mồ côi cha, đứa út khi ấy mới 2 tuổi đã đánh thức mẹ, biến nỗi đau thành sức mạnh, nghị lực phi thường. Mẹ thay chồng vừa làm mẹ vừa làm cha nuôi dạy các con.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Bốc vinh dự được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến thăm.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Bốc vinh dự được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến thăm.

Kết thúc những năm tháng chiến tranh ác liệt, bán được mấy con bò, năm 1975 mẹ dắt díu các con lên Dak Lak kiếm kế sinh nhai. Ai thuê gì làm lấy, từ cắt lúa, đập lúa, gồng gánh thuê đến đi ở cho những gia đình khá giả, mẹ không nề hà quản ngại việc gì. Một mình 6 nách con thơ, dẫu chẳng được bằng người, mẹ nuôi dạy các con khôn lớn, đứa nào cũng được đi học dù chỉ hết cấp 2, cấp 3. Đã bước sang tuổi 86, mái tóc bạc trắng như cước, đôi mắt mẹ mờ, chân tay đau nhức phần vì tuổi già, dấu tích của những tháng ngày lam lũ, vất vả một mình nuôi con; phần vì nỗi đau mênh mông như trời biển khi trong một năm mẹ mãi mãi phải vĩnh biệt chồng và 3 con. Giờ thì mẹ yên tâm mãn nguyện vì chồng và các con đã phù hộ độ trì để mẹ có sức khoẻ, vững tâm vượt qua những tháng ngày đau khổ nhất, nuôi dạy các con khôn lớn thành người.

Một lòng đi theo cách mạng
Không chỉ có chồng, con hy sinh cho cách mạng mà bản thân mẹ cũng trực tiếp tham gia hoạt động, bị địch bắt nhiều lần..., cuộc đời của Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Tài (thôn 4, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) là một minh chứng sáng ngời về sự hy sinh cao cả, là niềm tin sắt son cách mạng.

Sinh năm 1927, quê ở xã Bình Lâm, huyện Thăng Bình (Quảng Nam), từ năm 18 tuổi, mẹ đã tham gia hoạt động trong đội du kích. Cũng trong những ngày tháng đấu tranh ấy, mẹ đã quen và kết hôn với anh du kích Huỳnh Văn Cận, rồi từ đó căn nhà nhỏ của gia đình mẹ cũng trở thành nơi nuôi giấu cán bộ nằm vùng.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Tài cùng con gái Huỳnh Thị Liên.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Tài cùng con gái Huỳnh Thị Liên.

Năm 1959, hàng nghìn người dân Quảng Nam là cơ sở cách mạng đã bị địch “xúc” lên các tỉnh Tây Nguyên để khai hoang vùng đất này và cũng nhằm cách ly họ với cách mạng; gia đình mẹ cũng là một trong số ấy. Tại vùng quê mới Krông Bông, cả gia đình mẹ lại cùng nhau tham gia đấu tranh, liên lạc, móc nối cơ sở. Năm 1966, nỗi đau mất mát đến với mẹ khi người chồng trong một lần đi làm nhiệm vụ đã bị địch phục kích và hy sinh. Chưa hết nỗi đau này thì nỗi đau khác lại chồng chất: Năm 1968, trong đợt tham gia đấu tranh, người con gái đầu lòng, chị Huỳnh Thị Lan đã bị địch bắn chết, còn mẹ cũng bị thương ở cánh tay. Nén nỗi đau, biến lòng căm thù giặc thành nghị lực để sống và chiến đấu, mẹ lại tiễn các con lên đường nhập ngũ. Năm 1970, người con thứ ba, anh Huỳnh Văn Hòa khi ấy đã vào bộ đội, trong một lần làm nhiệm vụ cũng đã hy sinh và cho đến nay vẫn chưa tìm thấy di hài. Rồi đến năm 1972, cả hai người con của mẹ: chị Huỳnh Thị Sừng và anh Huỳnh Văn Thuận cũng lần lượt hy sinh – người đầu năm, người cuối năm – đã làm mẹ như đứt từng khúc ruột. 5 người con: 2 trai, 3 gái mà nay còn lại một, lòng người mẹ nào lại không đau… Mẹ kể: Ngày ấy thấy các con của mình, từng đứa, từng đứa ra đi, mẹ khóc không ra nước mắt; có lúc tưởng chừng như không trụ nổi nhưng rồi thương chồng, thương con, thương bà con bị địch giết, mẹ lại tiếp tục tham gia hoạt động; còn một nhúm ruột là út Liên (Huỳnh Thị Liên), mẹ cũng để chị vào bộ đội. Bị địch đàn áp, đốt nhà, mẹ cùng mọi người chạy lên núi sống; những lần địch càn quét, chúng bắt được mẹ rồi tra khảo nhưng mẹ không hề khai báo, cuối cùng không tìm được chứng cứ chúng đành phải thả mẹ ra…

Những hồi ức của mẹ cứ miên man, miên man trong lời kể. Nhìn dáng gầy, lưng còng và vết sẹo của mảnh đạn năm nào nơi cánh tay của mẹ như thấy được sự can trường, nghị lực và lòng kiên trung với con đường cách mạng đã chọn. “Theo cách mạng là con đường sống, con đường hạnh phúc không phải chỉ của riêng mẹ mà là của mọi người…”, câu nói ấy của mẹ cứ khiến lòng người nghe xúc động mãi không thôi…

Kim Oanh - Đỗ Lan - Đàm Thuần - Lan Anh

 


Ý kiến bạn đọc