Multimedia Đọc Báo in

Nhớ những ngày tháng Tám lịch sử

17:15, 01/09/2010

Những ngày này, trong trí nhớ của nhiều cán bộ lão thành cách mạng, kỷ niệm hào hùng về mùa Thu lịch sử cách đây 65 năm, thời khắc ghi dấu “Ngày độc lập đầu tiên của dân tộc mình” lại hiện về rõ ràng và sống động…

Ai cũng bị cuốn theo khí thế cách mạng ngày ấy - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Y Blôk Eâban
Đối với tôi và đồng bào dân tộc Tây Nguyên, Cách mạng tháng Tám là một bước ngoặt đổi đời. Những năm 1944-1945, chính những người tù cộng sản đã vun trồng mầm cách mạng trong công nhân, viên chức, binh lính và thợ thủ công nghèo Dak Lak làm lực lượng nòng cốt cho tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. Tôi - một người lính khố xanh, anh Y Bih Alêô – Tiểu đoàn trưởng Bảo an binh và một số anh em binh lính cũng đã được giác ngộ cách mạng. Khí thế cách mạng sôi sục. Còn nhớ vào đêm ngày 19-8-1945, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh gồm các đồng chí Huỳnh Bá Vân, Phan Kiệm, Nguyễn Khắc Tính, Tống Đình Phương, Y Bih Alêô… đã họp bàn quyết định thời điểm giành chính quyền ở tỉnh. Ủy ban khởi nghĩa được thành lập do đồng chí Phan Kiệm làm trưởng ban, tôi được phân công dẫn một tiểu đội bảo an làm nhiệm vụ bảo vệ cán bộ Ủy ban. Sáng ngày 20-8, tôi và các đồng chí cùng với sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân đã tiến vào lễ đài, biến buổi míttinh của quân Nhật thành buổi míttinh tuyên bố giành lại chính quyền. Ngày 24-8, cuộc míttinh chính thức ra mắt chính quyền cách mạng được tổ chức trước sự hoan hô, ủng  hộ của đông đảo nhân dân, băng rôn, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp mọi nẻo đường. Sau cuộc míttinh là rất nhiều công việc phải làm: phá kho thóc, kho muối của Nhật để cứu đói nhân dân, phục hồi các hoạt động y tế, xây dựng chính quyền cách mạng các cấp, sản xuất… không biết lấy đâu ra sức lực mà tôi và các đồng chí trong Ủy ban cách mạng làm ngày làm đêm mà không biết mệt. Dường như trong những ngày sôi động ấy, niềm hạnh phúc giành lại được độc lập tự do quá lớn, ai cũng bị cuốn theo khí thế cách mạng mà quên cái mệt đi rồi… 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng Huân chương Độc lập cho Thiếu tướng Y Blôk Êban tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ IX. (Ảnh: Lan Anh)
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng Huân chương Độc lập cho Thiếu tướng Y Blôk Êban tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ IX. (Ảnh: Lan Anh)

Cả buôn làng tôi đều đi theo tiếng gọi của Việt Minh - Ông Nay Diăh (80 tuổi), nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh
 
Quê tôi ở buôn Ama H’rok, xã Cư Dreng (nay là Cư Gu), huyện Krông Pa (Gia Lai) trước đây là huyện H2 thuộc Dak Lak. Trước năm 1945, dưới ách thống trị, đô hộ của thực dân Pháp rồi phát xít Nhật, người dân quê tôi cực khổ, lầm than không bút nào tả xiết, chỉ tóm gọn trong mấy từ “đói, đau, lạt, rét và mù chữ”. Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, tôi mới 15 tuổi và đang học phổ thông tại Pleiku. Không khí cách mạng rất sôi nổi, thầy cô, học sinh và người dân rất phấn khởi hưởng ứng lời kêu gọi của Việt Minh. Cứ nghe nói đến chuyện đuổi Nhật, Pháp đi, giành lại tự do, thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa của người Việt Nam là ai cũng mừng rơi nước mắt. Học sinh chúng tôi xuống đường, hòa vào không khí đang sôi sục khắp nơi, tham gia tuyên truyền. Đồng bào ở buôn Ama H’rok quê tôi cũng thế, nghe theo tiếng gọi của Việt Minh, đóng góp tiền của, tham gia thành lập chính quyền, đoàn thể xã Cư Dreng. Ai cũng muốn góp sức mình vào sự kiện lịch sử ấy. Khi Pháp quay lại đánh chiếm, trường học giải tán, tôi trở về quê tham gia Việt Minh rồi trở thành bộ đội tiểu đoàn N’Trang Lơng. Tôi không bao giờ quên được những ngày tháng Tám lịch sử ấy vì con đường giác ngộ cách mạng của tôi bắt nguồn từ đó.

Tôi đã cảm nhận được giá trị của độc lập, tự do - Ông Y Ghông B’Yă (86 tuổi) buôn Chua Cap, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột)

Ông Y Ghông B'Ya đang nói chuyện với PV Báo Dak Lak.
Ông Y Ghông B'Ya đang nói chuyện với PV Báo Dak Lak.

Năm 1945, tôi mới 21 tuổi, sống ở buôn A Lêa và đang dạy học trong trường Tiểu học Pháp – Êđê.  Khi ấy phong trào Cách mạng trong tỉnh phát triển sôi nổi, các tổ chức đoàn thể, các Hội quần chúng lần lượt ra đời, lôi cuốn lực lượng công nông, trí thức, thanh niên, phụ nữ tham gia hoạt động Việt Minh. Tôi cũng tham gia vào đoàn quân tuyên truyền. Khi cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra, hàng vạn quần chúng đã đồng loạt đứng lên ủng hộ Ủy ban khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Vào ngày ấy, đồng bào mình từ các buôn khác Kô Sia, Păn Lăn, Buôn Ky, A Lêa… tụ tập về khu vực đình Lạc Giao để nghe diễn thuyết tố cáo chính sách cai trị của Pháp, Nhật và tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Sau đó từng đoàn người rầm rộ kéo nhau đi khắp các ngả đường trong thị xã, diễu hành mừng ngày độc lập, giương cao các khẩu hiệu như “Đả đảo thực dân Pháp, đả đảo đế quốc Nhật”. Trước khí thế ầm ầm tựa thác đổ như vậy, đoàn người đã không gặp bất kỳ một sự kháng cự nào. Bọn Pháp, bọn Nhật sợ quá, bỏ chạy hết rồi. Lúc này tôi mới được cảm nhận giá trị của độc lập, tự do là như thế nào. 65 năm đã trôi qua, trí nhớ tuổi già cũng đã quên nhiều chuyện nhưng ký ức về những ngày hào hùng đó vẫn hằn sâu trong tâm trí tôi.

 

Hồng Thủy-Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc