Vẫn mãi nâng niu "bảo vật" Bác tặng
Gần 60 năm trôi qua, nhưng chiếc còi và bài thơ chúc Tết năm Mậu Tý - 1948 của Bác Hồ tặng vẫn được ông Lầu A Dính (trú tại buôn Liêng Keh, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) lưu giữ như những bảo vật thiêng liêng.
Đến thăm vợ chồng ông Lầu A Dính, bà Giàng Thị Sùng tại buôn Liêng Keh vào những ngày cuối năm 2017, hình ảnh đầu tiên chúng tôi cảm nhận đó là cảnh sương mù giăng khắp đỉnh đồi. Nằm cách không xa những căn nhà tạm của hơn 80 hộ dân trong buôn, nhà ông Lầu A Dính nằm chót vót, tách biệt trên đỉnh đồi Đắk Hiu. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ chừng 25 m2 được dựng lên bằng các loại gỗ tạp và tre nứa - đây cũng là nơi tá túc của hai vợ chồng ông từ ngày chuyển vào Đắk Lắk sinh sống, ông bắt đầu kể lại những cảm xúc trong lần gặp Bác tại quê hương.
Ông Lầu A Dính (bên trái) với chiếc còi và bài thơ Bác Hồ tặng. |
Ông Lầu A Dính sinh năm 1937 tại xã Cao Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Lạng (nay thuộc tỉnh Cao Bằng). Ông luôn tự hào được sinh ra và lớn lên trên cái nôi cách mạng Nguyên Bình và còn tự hào hơn nữa bởi bản thân được gặp Bác Hồ trong thời gian Bác đến thăm lại khu căn cứ cách mạng Nguyên Bình vào những năm 60. Lần thứ nhất, lúc đó ông chừng 24 tuổi, đang làm xã đội phó của xã Cao Thành, nhà ông là nơi ăn nghỉ của một đội dân quân địa phương gồm 70 người. Trong thời gian này, các dân quân và thành viên trong gia đình ông có nhiệm vụ nghe ngóng tình hình tại địa phương, kịp thời báo cáo cho chính quyền khi có các thông tin mới. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời ông được gặp Bác. Ông kể, trước đó, dù được nghe kể về Bác rất nhiều, nhưng khi gặp trực tiếp, cảm nhận trong ông đối với Bác như người ông, người cha rất đỗi gần gũi, thân thiết. Khi đó, Bác chừng 70 tuổi, dáng người mảnh khảnh, đôi mắt sáng và rất nhân từ, bộ đồ Bác mặc giản dị, mộc mạc; cách nói chuyện chân tình, cởi mở khiến ông cũng như những người có mặt hôm đó đều cảm nhận Bác như người thân trong nhà.
Lần thứ hai gặp Bác chỉ cách lần thứ nhất 2 ngày, ông Lầu A Dính được Bác tin tưởng trao chiếc còi bằng chất liệu i-nốc và tặng bản in bài thơ chúc Tết Mậu Tý năm 1948. Khi trao còi, Bác dặn: “Chiếc còi này chỉ sử dụng trong thực hiện nhiệm vụ cần thiết, khi có địch đến, phải thổi một hơi thật dài, to, hai hơi còn lại ngắn hơn để tập hợp dân quân sẵn sàng chiến đấu và báo hiệu để người dân xung quanh tìm nơi trú ẩn an toàn. Trong thời bình, A Dính có thể dùng chiếc còi này để tập trung người dân trong những cuộc họp thôn”. Còn bài thơ chúc Tết Mậu Tý, trước khi tặng cho ông, Bác đọc to, rõ cho tất cả mọi người cùng nghe, đến giờ ông vẫn còn hình dung ra giọng đọc dõng dạc của Bác:
“Năm Hợi đã đi qua,
Năm Tý vừa bước tới.
Gửi lời chúc đồng bào,
Kháng chiến được thắng lợi;
Toàn dân đại đoàn kết,
Cả nước dốc một lòng;
Thống nhất chắc chắn được,
Độc lập quyết thành công”.
Đọc xong, Bác đi đến bắt tay và trao cho ông bài thơ. Trên bản in bài thơ, Bác có ghi một dòng chữ viết tay nắn nót: “Gửi: Lầu A Dính, xã Cao Thành”. Gần 60 năm qua, kể từ ngày được Bác tặng bài thơ, ông luôn nâng niu, cất giữ cẩn thận. Ông bộc bạch: “Tài sản quý giá nhất của vợ chồng là chiếc còi và bài thơ Bác tặng, chúng tôi coi nó như những bảo vật của gia đình, người đi đâu thì theo đó. Cứ mỗi năm Tết đến, tôi lại bảo con cháu đem bài thơ ra đọc, mỗi lần như thế mọi cảm xúc lại trào dâng như trong buổi nghe Bác đọc thơ cách đây gần 60 năm về trước”.
Để cất giữ những bảo vật này, ông tự làm một cái rương bằng gỗ, dùng một ống tre khô cho còi và bài thơ vào đó, sau đó đưa vào rương khóa lại để ngay trên đầu giường của hai vợ chồng. Những kỷ vật này, ông chỉ đưa ra khi có khách quý đến thăm hoặc khi con cháu tập trung đông đủ tại nhà. Mỗi lần như vậy ông đều căn dặn cho con cháu hãy luôn tự hào về những cống hiến của cha ông trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, mà trước hết hãy biết trân quý những kỷ vật Bác tặng, đó cũng là một cách thể hiện tấm lòng của thế hệ sau với những bậc cha anh đi trước.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc