Quân và dân Đắk Lắk góp phần vào thắng lợi chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia thiết tha mong muốn được sống trong hòa bình để khôi phục và phát triển đất nước. Nhưng tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã phản bội lại nhân dân Campuchia và phá hoại truyền thống đoàn kết hữu nghị của nhân dân hai nước, thực hiện chính sách diệt chủng ở Campuchia và xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam.
Trên tuyến biên giới Đắk Lắk và Mundulkiri, tình hình cũng nảy sinh những diễn biến phức tạp. Từ tháng 11-1975 đến tháng 12-1976, quân Khmer Đỏ đã 60 lần vi phạm chủ quyền biên giới của Việt Nam, trong đó có 18 vụ nổ súng, qua hai lần tập kích bất ngờ vào chốt Đồn Trương Tấn Bửu và Đồn Bu Prăng làm ta bị thương và hy sinh một số cán bộ, chiến sĩ, cướp đi gần 2 tấn lương thực, thực phẩm và một số vũ khí, đạn dược... Ngoài ra, chúng còn năm lần viết thư vu cáo Việt Nam “xâm lấn” đất đai, yêu cầu ta phải rút khỏi khu vực Bu Prăng.
Trước những hoạt động vũ trang ngày càng trắng trợn và ngang ngược của bọn Pôn Pốt gây ra trên biên giới, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chỉ đạo lực lượng vũ trang khẩn trương kiện toàn lực lượng, xây dựng phương án tác chiến, đặt trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Người dân tỉnh Battambang (Campuchia) đến thăm và tiễn đưa quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường về nước, sáng 20-6-1984. (Ảnh: TTXVN) |
Ngày 5-1-1977, Khmer Đỏ bất ngờ nổ súng vào tổ tuần tra của Đồn Bu Prăng, khiến ta thương vong hai người. Nghiêm trọng hơn, ngày 14-1-1977, chúng tổ chức hai tiểu đoàn, lợi dụng đêm tối tập kích vào Đồn Trương Tấn Bửu và Đồn Bu Prăng. Từ giữa năm 1977, bọn Khmer Đỏ hoạt động ngày càng trắng trợn trên biên giới. Ngày 1-6-1977, chúng tung lực lượng thọc sâu vào trong đất ta trên trục đường 14 cách Đồn Đắk Song về phía Tây Nam khoảng 10 km, bất ngờ tập kích vào xe chở đoàn cán bộ tăng cường cho Đồn Trương Tấn Bửu và Đồn Bu Prăng của tỉnh làm 6 đồng chí hy sinh, bị thương 11 đồng chí; đồng thời chúng còn ráo riết tập trung lực lượng trên biên giới, dùng máy bay trinh sát, kết hợp với lực lượng bộ binh cài cắm chông mìn dọc các trục đường tuần tra, dùng các hỏa lực pháo kích vào đồn và chốt của ta.
Những ngày cuối cùng của năm 1977 đến đầu năm 1978, tình hình biên giới trở nên căng thẳng cao độ. Quân Khmer Đỏ đưa 3 trung đoàn thuộc Sư đoàn 920 vào gần biên giới. Ngày 25-12-1977, tại khu vực Đồn suối Đá Bằng, một tốp địch luồn sâu vào đất ta, lực lượng vũ trang của tỉnh nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu, tiêu diệt tại chỗ hai tên, số còn lại tháo chạy. Tiếp đó, tại Đồn Trương Tấn Bửu, cán bộ, chiến sĩ ta phải chống trả 8 đợt tấn công của địch, tiêu diệt 4 tên, đẩy lùi chúng về bên kia biên giới.Ngày 19-1-1978, địch bắn vào Đồn Bu Prăng trên 300 quả pháo cối và hôm sau chúng cho một đại đội tấn công vào chốt của Đại đội 4 của Đồn. Mặc dù lực lượng địch đông hơn, nhưng cán bộ, chiến sĩ của ta với sự mưu trí, dũng cảm đã bẻ gãy các đợt tấn công của địch, giữ vững trận địa.
Trong suốt 45 ngày đêm chiến đấu anh dũng trong vòng vây của kẻ thù, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã chiến đấu kiên cường, thực hiện quyền tự vệ chính đáng, giành được nhiều thắng lợi vẻ vang, đập tan các hành động xâm lược, góp phần quan trọng vào thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. |
Sau hàng loạt cuộc tập kích bị đánh bại, địch chuyển hướng hoạt động. Ngày 8-2-1978, chúng tổ chức một trung đoàn, chia thành 4 mũi bao vây Đồn Đắk Đam (Đức Lập). Trận chiến đấu diễn ra bất ngờ và ác liệt, nhưng cán bộ, chiến sĩ của ta đã chiến đấu dũng cảm, đập tan âm mưu xâm lấn của địch, đẩy chúng về bên kia biên giới. Ngày 28-2-1978, bọn phản động Khmer Đỏ tung gần một tiểu đoàn đánh vào Đồn Đắk Đam (Sêrêpốk). Ta đã phối hợp lực lượng đánh trả, tiêu diệt 7 tên và làm bị thương một số tên khác.
Nhân dân thủ đô Phnom Penh (Campuchia) lưu luyến chia tay các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường trở về Tổ quốc. (Nguồn: TTXVN) |
Cuối tháng 3-1978, Sư đoàn 920 của Khmer Đỏ áp sát vào biên giới Đắk Lắk. Rạng sáng 2-4-1978, địch sử dụng một trung đoàn có hỏa lực mạnh mở nhiều mũi tiến công, thọc sâu đánh vào trận địa pháo, trạm tiền phương của Trung đoàn 1 và đánh úp vào thôn 1, xã Quảng Trực, huyện Đắk Nông, tàn sát nhân dân, giết hại 34 dân thường, làm bị thương 26 người, đốt cháy gần 100 nóc nhà và 34 tấn lúa gạo, giết chết 34 con trâu, bò và gây nhiều thiệt hại khác. Mặc dù bị tấn công bất ngờ, nhưng bộ đội của Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 Quân khu 5 đã anh dũng chiến đấu tiêu diệt gần 100 tên.
Từ sáng ngày 2 đến hết ngày 3-4-1978, địch sử dụng pháo cối bắn cấp tập vào các đồn, chốt của ta. Ngày 4-4-1978, địch tập trung lực lượng bao vây Đồn Trương Tấn Bửu và Đồn Bu Prăng. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch ngày một căng thẳng và quyết liệt. Để nhanh chóng phá thế bao vây của địch, ngày 7-4-1978, lực lượng của tỉnh phối hợp với lực lượng của Quân khu 5 tổ chức phản kích vào các điểm cao mà địch chiếm đóng, đồng thời kiềm chế các hỏa lực của chúng, tạo thuận lợi cho lực lượng của Đồn Bu Prăng tổ chức một phân đội phản công địch từ trong ra. Bị vây ép từ hai phía, địch bị thiệt hại nặng phải vội vàng tháo chạy.
Tại khu vực chốt Đồn Trương Tấn Bửu, tối ngày 14-4-1978 địch sử dụng hai đại đội tấn công vào chốt Đại đội 2. Nhưng với tinh thần cảnh giác và ý chí quyết tâm tiêu diệt địch, lực lượng của ta đã chiến đấu anh dũng, buộc chúng phải rút quân. Như vậy sau 18 ngày giao tranh ác liệt, ở cả hai khu vực Bu Prăng và Trương Tấn Bửu, địch đều bị ta đánh bại phải rút chạy về bên kia biên giới.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương chỉ đạo lực lượng vũ trang của tỉnh phải sẵn sàng, chủ động đánh địch trong mọi tình huống, phá thế bao vây của chúng ngay từ đầu, kiên quyết đánh đuổi toàn bộ địch ra khỏi khu vực biên giới của tỉnh. Trong khi ta đang triển khai phương án tác chiến thì vào 6 giờ sáng ngày 17-4-1978, Khơme Đỏ tập trung hỏa lực pháo cối các loại bắn cấp tập vào các đồn, chốt của ta. Nhưng nhờ nhận định đúng âm mưu của địch, trưa 17-5-1978, ta mở cuộc tấn công địch từ nhiều mũi, nhiều hướng. Lực lượng vũ trang của tỉnh phối hợp với lực lượng của Quân khu 5 tấn công mãnh liệt vào các điểm cao quanh khu vực đồn và chốt mà địch chiếm đóng. Địch bị ta đánh mạnh và bất ngờ nhưng vẫn ngoan cố vừa chống trả, vừa rút lui. Đến 13 giờ ngày 17-5-1978, ta đẩy toàn bộ địch về bên kia biên giới, chấm dứt cuộc tấn công, bao vây kéo dài suốt 45 ngày đêm của địch (từ 2-4-1978 đến 17-5-1978). Kết quả ta tiêu diệt 400 tên địch, riêng Đồn Bu Prăng diệt 69 tên, phá hủy một khẩu DKZ 75 mm, 5 khẩu đại liên và 3 khẩu 12,7 mm cùng một số hỏa lực khác của địch, giữ vững phòng tuyến biên giới.
Duy Linh
Ý kiến bạn đọc