Multimedia Đọc Báo in

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ với cách mạng Việt Nam (Bài 2)

09:10, 09/07/2020

Bài 2: Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - chiến sĩ cách mạng kiên cường, nhà lãnh đạo có uy tín lớn 

Từ nhà trí thức yêu nước trở thành nhà cách mạng kiên cường

Tiếp thu truyền thống yêu nước quật cường của dân tộc, đặc biệt là những tấm gương kiên trung, sáng ngời của các sĩ phu yêu nước chống Pháp từ nửa sau thế kỷ 19 ở Nam Bộ như Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân..., Nguyễn Hữu Thọ đã noi gương họ tham gia đấu tranh cho dân tộc. Ông tự nguyện đi theo con đường do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và trở thành một trong những trí thức lớn của thời đại.

Hơn 10 năm sống trên đất Pháp, năm 1933  khi Nguyễn Hữu Thọ trở về nước, tập sự tại Văn phòng luật sư Đuycơnay cũng là thời điểm phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh chống thực dân Pháp do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo bị khủng bố trắng, nhiều chiến sĩ yêu nước bị bắt bớ, bị giết hại và tù đày. Được trực tiếp chứng kiến nhiều phiên tòa đại hình ở Sài Gòn, với các bản tuyên án vô cùng tàn bạo, ông dần dần nhận thấy sách vở và luật pháp của chính quyền thực dân chỉ là trò hề mị dân, thực chất những tên chánh án tại các phiên tòa chính là những tên đao phủ mà phạm nhân là những lương dân vô tội và những người yêu nước.

Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với các chiến sĩ quân giải phóng. Ảnh tư liệu
Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với các chiến sĩ quân giải phóng. Ảnh tư liệu

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã có tác động mạnh mẽ đến tình cảm và lý trí của người luật sư trẻ. Những phiên tòa do thực dân Pháp dựng lên để buộc tội các chiến sĩ khởi nghĩa Nam Kỳ đã giúp ông cảm nhận được lý tưởng và lòng yêu nước dũng cảm của những người cộng sản, thấy rõ bản chất đen tối, tàn bạo của chính quyền thực dân ở thuộc địa.

Cách mạng Tháng Tám 1945 đã thực sự mở ra cho Nguyễn Hữu Thọ con đường đi theo để đấu tranh giải phóng dân tộc. Phong trào cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, uy tín, ảnh hưởng to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là chất xúc tác đã khơi dậy, dẫn dắt những trí thức yêu nước như Nguyễn Hữu Thọ đến với cách mạng.

Có thể nói rằng, từ khi về nước (năm 1933), đến khi rời Vĩnh Long lên Sài Gòn (năm 1947), bắt đầu tham gia cách mạng là quá trình đi từ yêu nước đến hoạt động cứu nước của Nguyễn Hữu Thọ. Sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của người trí thức - Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - có tác động mạnh mẽ của cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam vì tự do, độc lập dân tộc.

Người đảng viên cộng sản kiên định, nhà lãnh đạo có uy tín lớn

Trở thành một trí thức cách mạng, Nguyễn Hữu Thọ tích cực hoạt động kháng chiến ở Sài Gòn bị tạm chiếm “bằng những hình thức thích hợp”.

Trong việc bào chữa cho các chiến sĩ yêu nước, cách mạng hay những đồng bào rơi vào tay địch bị đưa ra xét xử, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ không chỉ thể hiện tấm lòng yêu mến, kính trọng mà còn biểu lộ tinh thần yêu nước, chiến đấu chống kẻ thù. Ông đã dựa vào luật pháp của kẻ thù để tố cáo tội ác của chúng. Ngoài nhiệm vụ của một luật sư yêu nước cách mạng, Nguyễn Hữu Thọ còn tiến hành cuộc đấu tranh yêu nước trong nhiều hoạt động khác, như vận động các trí thức Sài Gòn ra bản “Tuyên ngôn đòi Chính phủ Pháp chấm dứt chiến tranh xâm lược, đàm phán với chính phủ kháng chiến để lập lại hòa bình trên cơ sở công nhận độc lập, tự do cho Việt Nam”.

Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (giữa) và đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao Phong trào không liên kết ở Algérie (tháng 9-1973) . Ảnh: Tư liệu
Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (giữa) và đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao Phong trào không liên kết ở Algérie (tháng 9-1973) . Ảnh: Tư liệu

Chỉ mấy tháng sau khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, Nguyễn Hữu Thọ đã phát huy vai trò của một đảng viên cộng sản hoạt động bí mật, trong phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn mà đỉnh cao là cuộc biểu tình nhân đám tang của học sinh Trần Văn Ơn, người phản đối thực dân Pháp và ngụy quyền Bảo Đại đàn áp dã man, giết hại nhiều học sinh. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã nổ ra mạnh mẽ. Nhằm cô lập ông với phong trào cách mạng, thủ tiêu ý chí của ông, thực dân Pháp và ngụy quyền Sài Gòn đã đày ải Nguyễn Hữu Thọ ra vùng Tây Bắc, nhưng khi trở về Sài Gòn ông lại tiếp tục đấu tranh công khai - bào chữa cho các chiến sĩ kháng chiến bị bắt, tham gia phong trào hòa bình (năm 1954).

Trong những năm đấu tranh cho hòa bình, bị bắt giam ở Sài Gòn (năm 1954), bị đưa ra an trí ở Hải Phòng (1955), Phú Yên (1955 - 1961), Nguyễn Hữu Thọ đã trải qua những năm tháng gian khổ nhưng ông đã thể hiện khí tiết kiên cường của một đảng viên cộng sản. Sau khi được cứu thoát, Nguyễn Hữu Thọ trở về vùng giải phóng và trở thành người lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo nhân dân chiến đấu với kẻ thù. Chí khí cách mạng, sự thông minh tài giỏi, phẩm chất đạo đức cách mạng là nhân tố quan trọng tạo nên một Nguyễn Hữu Thọ bất khuất kiên cường, giương cao ngọn cờ đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Một trong những đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là ông đã cùng Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh tổ chức xây dựng dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã có những ý kiến rất thiết thực trong các cuộc họp của Bản dự thảo Hiến pháp, góp phần vào sự hình thành bản Hiến pháp mới trình Quốc hội vào năm 1980.

Sau chiến thắng 30-4-1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, với cương vị là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Tổ quốc về những công việc cần thực hiện khi thống nhất đất nước.

Ngày 25-4-1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất được tiến hành trong toàn quốc. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được giới thiệu ứng cử ở Sài Gòn và đã trúng cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất với số phiếu rất cao. Ngày 2-7-1976, Quốc hội đã quyết định những công việc rất trọng đại: đặt tên nước ta là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hà Nội là thủ đô và Thành phố Sài Gòn được chính thức mang tên Thành phố Hồ Chí Minh. Kỳ họp cũng đã quyết định Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Tổng tuyển cử ngày 25-4-1975 bầu ra là Quốc hội khóa VI. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với cương vị Phó Chủ tịch nước, đồng chí được cử phụ trách các vấn đề về đối ngoại và đã có nhiều đóng góp vào công tác ngoại giao của Đảng, Nhà nước.

Một trong những đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là ông đã cùng Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh tổ chức xây dựng dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Với uy tín và kiến thức luật học uyên bác của mình, đồng chí đã cùng với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tập hợp được các luật gia có danh tiếng tham gia soạn thảo bản Hiến pháp sửa đổi. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã có những ý kiến rất thiết thực trong các cuộc họp của Bản dự thảo Hiến pháp, góp phần vào sự hình thành bản Hiến pháp mới trình Quốc hội vào năm 1980.

Ngày 5-4-1980, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được Quốc hội cử làm Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và thông qua bản Hiến pháp mới. Trên cương vị Quyền Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã ký lệnh Công bố bản Hiến pháp năm 1980. Hiến pháp năm 1980 đã thể chế hóa đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước Việt Nam, khẳng định rõ những quyền hạn và nghĩa vụ của công dân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.

(Còn nữa)

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.