Multimedia Đọc Báo in

Về thăm quê hương cách mạng Tân Trào

09:57, 26/08/2020
Mái đình Hồng Thái, Cây đa Tân Trào được xem là "trái tim", là biểu tượng của Chiến khu Việt Bắc. Ngày nay, Tân Trào trở thành một địa chỉ du lịch nổi tiếng của tỉnh Tuyên Quang, thu hút nhiều du khách.

Khu di tích lịch sử Tân Trào thuộc địa phận xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, cách TP. Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) hơn 40 km. Nơi đây có các địa danh gắn liền với những câu thơ trong bài Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu: "Mình đi mình có nhớ mình/ Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa/  Mình về mình có nhớ ta/ Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào". Vùng đất Tân Trào lịch sử từng là trung tâm "Thủ đô khu giải phóng”, trung tâm “Thủ đô kháng chiến”, nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam, gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.

Đình Tân Trào là nơi họp Quốc dân Đại hội năm 1945.
Đình Tân Trào là nơi họp Quốc dân Đại hội năm 1945.

Ngược dòng lịch sử, ngày 4-5-1945, Bác Hồ từ Pắc Bó (tỉnh Cao Bằng) về Tân Trào. Con đường này đi từ Cao Bằng qua Bắc Kạn, Thái Nguyên về huyện Sơn Dương. Trên con đường hàng trăm cây số, Bác đã đi và dừng chân ở nhiều nơi, địa điểm đình Hồng Thái là nơi dừng chân đầu tiên khi Người đến Tân Trào. Đình Hồng Thái được dựng từ năm thứ tư của triều Khải Định, tức năm 1919. Đình được xây dựng trên một khu đất rộng, gần với con đường đi từ thị trấn Sơn Dương vào. Phía Bắc của đình là dòng sông Phó Đáy; phía Tây có dãy núi Bòng; phía Nam có dãy núi Thia. Từ vị trí này có thể dễ dàng cơ động đi các xã có phong trào cách mạng phát triển mạnh như: Bình Yên, Lương Thiện, Trung Yên, Thanh La... Do vậy, nơi đây đã trở thành một trạm chuyển tiếp, đầu mối liên lạc.

 
Bước sang tháng 8-1945, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, Bác và Trung ương Đảng đã quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội cũng được triệu tập tại đình Tân Trào. Tại đây chủ trương tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Đảng và 10 chính sách lớn của Việt Minh được thông qua. Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ Lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch cũng được bầu ra tại đình Tân Trào. Còn đình Hồng Thái được chọn làm nơi đón tiếp các vị đại biểu về dự Đại hội. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ và Trung ương Đảng chuyển về Hà Nội. Khi thực dân Pháp bội ước quay trở lại xâm chiếm nước ta một lần nữa, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, quê hương cách mạng Tân Trào lại được đón Bác, Trung ương, Chính phủ về đây để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
 
Nằm trong Khu di tích lịch sử Tân Trào, cùng các địa danh khác gắn với những sự kiện lịch sử có ý nghĩa lớn, Cây đa Tân Trào là nơi giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu bất khuất của dân tộc ta.
 
Dưới gốc đa Tân Trào, chiều ngày 16-8-1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1, ngay sau đó quân Việt Nam Giải phóng đã làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội trước sự chứng kiến của toàn thể đồng bào các dân tộc Việt Bắc và 60 đại biểu toàn quốc. Từ đó cho đến nay, Cây đa Tân Trào đã trở thành một biểu tượng cách mạng của "Thủ đô Khu giải phóng" Tuyên Quang. Cây đa Tân Trào là một cây đa cổ nằm ở đầu làng Kim Long (sau đổi tên thành Tân Lập).

Trước đây, Cây đa Tân Trào cành lá sum suê, gồm hai cây mọc cách nhau chừng 10 m, người dân địa phương thường gọi với cái tên dân dã là “cây đa ông” và “cây đa bà”. Năm 1993, do ảnh hưởng của một trận bão, “cây đa ông” bị đổ, chỉ còn lại một nhánh nhỏ. Còn “cây đa bà” không tránh khỏi được quy luật “sinh - tử”, dần có những dấu hiệu xấu, lá ngả vàng, một số ngọn bị chết.

Lán Nà Nưa – nơi ở  và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lán Nà Nưa – nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến năm 2008, Cây đa Tân Trào chỉ còn sót lại duy nhất một cành hướng Đông Bắc của “cây đa bà” còn sống nhưng phát triển không tốt, phần rễ chính của cây gần như đã chết. Trước tình hình cấp bách đó, chính quyền địa phương đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp đưa ra những phương án chăm sóc và hồi sinh cho Cây đa Tân Trào. Bằng nhiều nỗ lực, sau hai năm, Cây đa Tân Trào đã dần phục hồi và đến nay đã phát triển thành cụm cây mới tươi tốt. Xung quanh Cây đa Tân Trào còn được trồng thêm 6 cây đa con tượng trưng cho 6 huyện của tỉnh Tuyên Quang.
 
Di tích lịch sử Tân Trào cùng với các di tích khác trong Chiến khu Tân Trào đã trở thành điểm du lịch tham quan và tìm hiểu lịch sử nổi tiếng của tỉnh Tuyên Quang. Đã trải qua 75 năm kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhưng khi ghé thăm Tân Trào, mỗi người dân Việt Nam lại như được hòa vào không khí hào hùng của những năm tháng lịch sử không thể nào quên.
Khả Lê
 
 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.