Những bước tiến trong nhận thức về tổ chức mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Ở Việt Nam, tính đến nay, thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền” chính thức được sử dụng gần 30 năm, kể từ bài phát biểu của Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VII (29-11-1991).
Trước đó, mặc dù về mặt ngôn từ, trong các văn bản có tính quyết sách chính trị ở nước ta, thuật ngữ này chưa được sử dụng, nhưng tư tưởng về nhà nước pháp quyền với nghĩa quyền lực thuộc về nhân dân, các quyền công dân, quyền con người được đảm bảo, luật pháp là cơ sở cho sự thực thi quyền lực nhà nước… đã được thể hiện trong các Hiến pháp và văn kiện của Đảng.
Điều 1, Điều 6, Điều 7 trong Hiến pháp năm 1946; Điều 4, Điều 6, Điều 22 trong Hiến pháp năm 1959; Điều 2, Điều 3, Điều 6, 7, 8 trong Hiến pháp năm 1980; Điều 2 trong Hiến pháp năm 1992, quy định: Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sau này là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. Mặc dù chưa đề cập đến thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” nhưng từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 1992 đều hàm chứa trong đó nội dung tư tưởng về nhà nước pháp quyền với việc khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, đề cao vai trò của pháp luật, xác định trách nhiệm của nhà nước, các cơ quan nhà nước, công chức nhà nước là phục vụ nhân dân, chịu sự kiểm soát của nhân dân.
Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được công nhận tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, ngày 2-3-1946. Ảnh tư liệu |
Hiến pháp năm 2013 một lần nữa khẳng định mô hình nhà nước pháp quyền nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Những nội dung quan trọng về hình thức, nội dung, những vấn đề liên quan của mô hình đó được ghi trang trọng trong Chương 1. Vấn đề quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân với tư cách là một đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền, lần đầu tiên được dành hẳn thành một chương - Chương 2. Những nội dung này thể hiện cam kết và quyết tâm chính trị của Nhà nước ta trong việc tiếp tục kế thừa và thực thi những nguyên tắc pháp quyền đã được hiến định từ Hiến pháp năm 1946 đến nay.
Bên cạnh Hiến pháp, trong các văn kiện của Đảng ta, tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân là nhất quán. Đảng ta luôn khẳng định: Nhà nước ta là nhà nước dân chủ, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, hơn nữa tính chất dân chủ của nhà nước ta là dân chủ XHCN.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) thông qua tại Đại hội VII tuy chưa sử dụng thuật ngữ nhà nước pháp quyền nhưng có khẳng định: “Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân… Dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, phải được thể chế hóa bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm”(1).
Nhân dân phố Lò Đúc, Hà Nội bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II, ngày 8-5-1960. Ảnh tư liệu |
Đến Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994), thuật ngữ nhà nước pháp quyền chính thức được sử dụng trong văn kiện của Đảng với việc khẳng định: “Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đó là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng XHCN” (2).
Đây là lần đầu tiên những nội dung, nguyên tắc, nhiệm vụ của Nhà nước pháp quyền Việt Nam được đề cập một cách chính thức trong các văn kiện của Đảng.
Đến “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” (Bổ sung, phát triển năm 2011) nêu ra trong Đại hội XI, đã khẳng định: xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội “có nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”(3).
Đây là một trong hai đặc trưng mới thêm vào 6 đặc trưng của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH nêu ra trong Đại hội VII. Cũng với ý nghĩa đó, Đảng ta xác định “xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” là một trong những phương hướng chủ yếu xuyên suốt thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Nó thể hiện một bước tiến mới của quá trình nhận thức về thời kỳ quá độ lên CNXH của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng là quyết tâm xây dựng nhà nước pháp quyền của Đảng ta.
Qua thực tế đời sống chính trị - xã hội Việt Nam từ khi độc lập, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đến nay, có thể khẳng định rằng, vấn đề phát huy dân chủ, hoàn thiện hệ thống luật pháp rất được Đảng ta chú trọng và xem đó là nhiệm vụ sống còn của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Theo đó, gắn chặt với nó là vấn đề xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN cũng rất được Đảng ta lưu tâm. Những thành quả đạt được trên phương diện này, trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa từ Đại hội X đến Dự thảo văn kiện Đại hội XIII hiện nay đều khẳng định những bước tiến về nhận thức và thực tiễn tổ chức mô hình nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.
Như vậy, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã được hiến định trong các Hiến pháp từ năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013 và đã được Đảng ta xác lập trong các văn kiện của Đảng (thể hiện đậm nét nhất trong hai Cương lĩnh xác lập trong thời kỳ quá độ lên CNXH). Đây là quá trình tìm kiếm, thể nghiệm mô hình nhà nước có hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước ta và là quá trình đổi mới nhận thức rất quan trọng của Đảng ta. Từ đây nó trở thành một công cụ hữu hiệu, là “cây gậy” định hướng quá trình đổi mới chính trị và đổi mới mọi mặt đời sống xã hội ở Việt Nam trong suốt 75 năm qua.
(1) Ðảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.19-20.
(2) Ðảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Ðảng Toàn tập, tập 53, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.224.
(3) Ðảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Ðảng Toàn tập, tập 53, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.70.
TS. Ngô Khắc Sơn
Học viện Chính trị khu vực III
Ý kiến bạn đọc