Multimedia Đọc Báo in

Những di tích lịch sử văn hóa ở thị xã Buôn Hồ

16:11, 01/09/2020

Thị xã Buôn Hồ sở hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị to lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, lòng yêu nước; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, tâm linh của người dân; đồng thời cũng là điểm đến thu hút du khách gần xa.

Tọa lạc tại số 291, đường Trần Hưng Đạo, phường An Lạc, Đền thờ Đức Thánh Trần hơn 50 năm nay đã trở thành điểm đến tâm linh, nơi tỏ lòng thành kính, ghi nhớ công ơn của những người dân miền Bắc khi di cư vào huyện Krông Búk (nay tách ra là thị xã Buôn Hồ) sinh sống, lập nghiệp (năm 1947) đối với vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo có công lao to lớn trong lịch sử giữ nước, nổi bật là chiến công 3 lần đánh thắng quân Nguyên - Mông trong thế kỷ XIII. Theo người dân địa phương, ban đầu đền thờ được dựng tạm bằng cây rừng, vách ván, mái lợp tôn, chính giữa Đền đặt một trang thờ và treo bức tranh Trần Hưng Đạo bằng giấy rộng 12 m2. Đến nay, trải qua 7 lần trùng tu, tôn tạo, Đền thờ Đức Thánh Trần đã khang trang hơn, rộng trên 525 m2 với các hạng mục: cổng đền, sân trước, đền thờ và sân sau.

 Di tích lịch sử  Địa điểm  lưu niệm  Trận chiến đấu phòng ngự chốt  buôn Tring năm 1973.
Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm Trận chiến đấu phòng ngự chốt buôn Tring năm 1973.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đền thờ Đức Thánh Trần không chỉ là nơi thờ vọng để lưu giữ những di sản văn hóa, tín ngưỡng, biểu lộ lòng tôn kính, biết ơn của nhân dân đối với vị anh hùng dân tộc mà còn là một địa điểm cung cấp, tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho cách mạng; chủ yếu là cung cấp cho các đội công tác dọc tuyến H4 (gồm các huyện Krông Năng, Krông Búk và thị xã Buôn Hồ ngày nay). Hằng năm, nơi đây diễn ra nhiều sinh hoạt tín ngưỡng và các lễ hội truyền thống như lễ thanh minh, tất niên. Đặc biệt, Lễ húy kỵ Đức Thánh Trần vào ngày 20-8 âm lịch là dịp để đông đảo nhân dân trên địa bàn tưởng nhớ công ơn vị tướng tài ba của dân tộc và cũng là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức nguồn cội, lòng biết ơn sâu sắc đối với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Đó cũng là nét đẹp văn hóa, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của nhân dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Tại buôn Tring, phường An Lạc, di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm Trận chiến đấu phòng ngự chốt Buôn Tring năm 1973 là nơi ghi dấu trận chiến đấu kiên cường, bất khuất của tập thể cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 301, Tỉnh đội Đắk Lắk trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong trận chiến ác liệt kéo dài 29 ngày đêm, 20 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, nhưng Tiểu đoàn 301 và các đơn vị phối hợp đã kiên cường chống trả địch phản kích, diệt 371 tên, bắn cháy 2 xe M113, phá hủy 5 đại liên, 1 cối 61 ly và nhiều vũ khí, khí tài quân dụng của địch.

Thế hệ trẻ thị xã Buôn Hồ tìm hiểu thông tin về trận chiến buôn Tring 1973.
Thế hệ trẻ thị xã Buôn Hồ tìm hiểu thông tin về trận chiến buôn Tring 1973.

Có thể nói, đây là một trận đánh góp phần quan trọng trong việc giải phóng Buôn Hồ ngày 12-3-1975, tạo chuyển biến căn bản trên chiến trường Tây Nguyên nói riêng và cả chiến trường miền Nam nói chung, tạo đà tiến lên để giành thắng lợi cuối cùng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1999 - 2000, Đài Tưởng niệm Liệt sỹ tại buôn Tring được xây dựng ngay vị trí hy sinh của Đại đội 1, Tiểu đoàn 301; năm 2018, UBND thị xã Buôn Hồ đã xây dựng Bia ghi danh các liệt sỹ cùng thông tin liên quan đến trận đánh.

Di tích lịch sử văn hóa được nhiều người biết đến trên địa bàn thị xã là Đồn điền Rossi. Theo lời kể của ông Phạm Bá Minh, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Buôn Hồ thì ông Rossi (chủ đồn điền) là một người Pháp có tinh thần giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Tại trụ sở làm việc của đồn điền, ở một góc dưới chân cầu thang, vào tầm 6 - 7 giờ tối hằng ngày, người dân địa phương và chiến sĩ cách mạng lại tập kết các nhu yếu phẩm, thuốc men để tiếp tế cho lực lượng H4; đặc biệt, ông Rossi còn thường xuyên cho mượn chiếc xe ông thường đi thăm đồn điền để vận chuyển hàng hóa tiếp tế nhằm tránh tai mắt, sự theo dõi của quân địch. Hiện nay, dù đã xuống cấp nhưng Đồn điền Rossi vẫn giữ nguyên hiện trạng gồm 1 trụ sở làm việc và 2 xưởng chế biến cà phê với tổng diện tích khoảng 1.300 m2. Được biết, UBND tỉnh đã cho chủ trương tu sửa một số hạng mục của công trình với tổng kinh phí ước khoảng gần 1 tỷ đồng từ ngân sách của thị xã.

Thị xã Buôn Hồ có 4 di tích cấp tỉnh, ngoài 3 di tích lịch sử văn hóa kể trên còn có Di tích danh thắng Draiga - là một thắng cảnh còn giữ được nhiều nét hoang sơ, kỳ vĩ; gắn liền với nhiều huyền thoại, sự kiện lịch sử, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân tại buôn Tring.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc