Vang mãi bài ca mở đường
Nhiều năm liền, lực lượng thanh niên xung kích tham gia xây dựng kinh tế mới huyện Ea Súp giai đoạn 1977 – 1984 đã không quản mưa nắng dãi dầu, sẵn sàng cống hiến sức trẻ, tuổi thanh xuân của mình để khai hoang vùng đất mới, bảo vệ biên cương Tổ quốc...
Ghi dấu một thời
Sau ngày thống nhất đất nước, Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đứng trước nhiều khó khăn. Tại Đắk Lắk, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khá phức tạp, bọn FULRO và tàn quân chế độ cũ bám các xã, buôn khu vực biên giới để chống phá chính quyền cách mạng, đặc biệt là khu vực huyện vùng biên Ea Súp.
Buổi hội thảo với sự góp ý của nhiều nhân chứng được Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh tổ chức vào tháng 9-2019. |
Trước tình hình đó, tháng 7-1977, Tỉnh ủy, UBND tỉnh có chủ trương giao cho huyện Ea Súp huy động lực lượng nam, nữ tại địa phương để thành lập một Tiểu đoàn thanh niên xung kích. Nhiệm vụ chính của Tiểu đoàn là bảo vệ biên giới, khai hoang làm kinh tế, xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và đời sống trên địa bàn huyện Ea Súp (gồm các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea Súp ngày nay).
Tràn đầy nhiệt huyết tuổi thanh xuân, hơn 350 thanh niên xung phong đã không quản nắng mưa, đêm ngày, thậm chí mạng sống của mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sống và làm việc thường xuyên giữa rừng, nhiều người đã hy sinh vì căn bệnh sốt rét. Do thuốc chữa bệnh khan hiếm, nên có những khi người ốm nhẹ hơn đã nhường lại thuốc cho người ốm nặng. Đội viên thanh niên làm nhiệm vụ không có lương, chỉ được cấp lương thực 21 kg/tháng. Dù điều kiện sống khó khăn, nhưng họ đã làm việc không biết mỏi mệt. Từ năm 1977 – 1979, lực lượng đã quy hoạch, thiết kế, làm thủy lợi, xây dựng cánh đồng gần 100 ha, đưa vào sản xuất ổn định. Đây là cơ sở để tỉnh và huyện đón trên 5.000 hộ dân ở các tỉnh lên xây dựng kinh tế mới.
Từ năm 1980 – 1984, lực lượng thanh niên xung kích được biên chế vào các Hạt giao thông và đội công trình. Họ tiếp tục góp phần bảo đảm thông suốt các tuyến đường huyết mạch như Tỉnh lộ 8, Tỉnh lộ 1, các tuyến đường đi biên giới, các vùng kinh tế mới và đi vào các xã, buôn trong huyện...
Niềm vui sau 40 năm
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, một số cán bộ có trình độ tiếp tục đảm nhận công tác tại các cơ quan, đoàn thể, một số khác tiếp tục lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Bà Nguyễn Thị Tác, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh cho hay, Tiểu đoàn thanh niên xung kích chưa thể xác nhận được phiên hiệu do không còn đủ hồ sơ và giấy tờ gốc. Vì vậy mà hơn 40 năm qua, rất nhiều người trong số ấy không được chế độ chính sách ưu đãi dành cho người có công.
Từ nền tảng ban đầu, huyện Ea Súp ngày nay đã trở thành vựa lúa lớn của tỉnh. (Trong ảnh: Một cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn xã Ea Bung). |
Trăn trở trước thiệt thòi của nhiều đồng đội, Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh đã dành nhiều năm thu thập tài liệu, văn bản, chỉ thị, ý kiến tường trình của cán bộ chỉ huy liên quan đơn vị thanh niên xung kích huyện Ea Súp giai đoạn 1977-1984.
Tháng 9-2019, Hội đã tổ chức Hội thảo xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong đối với Tiểu đoàn thanh niên xung kích làm cầu đường, khai hoang huyện Ea Súp giai đoạn 1977 - 1984. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt có nhiều nhân chứng nguyên là lãnh đạo huyện, các phòng, ban của huyện Ea Súp và lãnh đạo đơn vị thanh niên xung kích huyện giai đoạn 1977 – 1984. Nhiều ý kiến tâm huyết như của các ông: Y Ly Niê Kdăm, nguyên Chủ tịch UBND huyện Ea Súp từ năm 1977 đến cuối năm 1978; ông Trần Văn Huy, nguyên cán bộ Ban Chỉ huy Tiểu đoàn thanh niên xung kích huyện Ea Súp, nguyên Phó Phòng giao thông huyện Ea Súp… đã làm sống lại một thời hào hùng của Tiểu đoàn giữa muôn vàn gian khó. Cuộc hội thảo là cơ sở quan trọng giúp cho việc xác nhận phiên hiệu đơn vị đối với Tiểu đoàn thanh niên xung kích trở nên thuận lợi hơn.
Cùng với sự hỗ trợ đắc lực của các cấp, các ngành, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 575/QĐ-UBND, ngày 15-3-2021 về việc xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong đã được thành lập và hoạt động sau năm 1975 tại tỉnh Đắk Lắk đối với Tiểu đoàn thanh niên xung kích huyện Ea Súp. Theo bà Nguyễn Thị Tác, việc xác nhận phiên hiệu đơn vị như là sự ghi nhận những nỗ lực, cống hiến của lực lượng thanh niên xung kích thời bấy giờ cho quê hương, Tổ quốc. Đây cũng là căn cứ pháp lý để việc hỗ trợ chế độ chính sách cho lực lượng thanh niên xung kích huyện Ea Súp được dễ dàng, thuận tiện hơn.
Quỳnh Anh