Multimedia Đọc Báo in

Ngày xuân vui lễ hội Lồng tồng

17:26, 12/02/2011

Đến hẹn lại lên, cứ mùng 6 Tết, người dân các huyện Buôn Đôn, Ea Súp và các xã lân cận lại tụ về xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) để vui lễ hội Lồng Tồng (lễ hội xuống đồng). Đây là lễ hội truyền thống của người Tày, Nùng được tổ chức vào ngày mùng 6 âm lịch, để cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời, cũng là dịp để bà con các dân tộc vui chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Hào hứng tham gia trò chơi "Đi qua cầu Kiều".
Hào hứng tham gia trò chơi "Đi qua cầu Kiều".

Ngay từ sáng sớm, trên các nẻo đường liên thôn của xã Cư M’gar đã nhộn nhịp bước chân người đến trung tâm xã để dự hội Lồng tồng. Già, trẻ, gái trai xúng xính trong bộ trang phục truyền thống càng làm cho không khí lễ hội tại các thôn, bản thêm phần sinh động. 7 giờ 30 phút, lễ hội bắt đầu bằng phần cúng thần và cầu mùa. Lễ vật dâng lên trời, đất gồm: một con gà trống, mâm lễ ngũ quả, hoa, 5 chén gạo, 9 chén rượu… Vào lễ cúng, thầy cúng đọc bài lễ: “Tháng giêng mùng 6 ngày hội Lồng tồng/ các phương vào điểm thăm hội, đấy mà rất vui/ Tháng giêng mọi người uống rượu uống trà/ Tháng hai cày ruộng bờ nà làm rẫy/ Tháng 3 đi mộ, tháng 4 mọi người làm việc, tháng 5 nước vào ruộng đầy…”. Sau đó thầy cúng đọc lời khấn vái với nội dung: “Cầu cho mưa thuận gió hòa, nước vào ruộng đầy, mọi vật sinh sôi nảy nở, cầu cho mọi người sức khỏe, xóm làng bình yên no ấm, mùa màng bội thu..”. Sau phần lễ trang nghiêm, mọi người bắt đầu vào phần hội. Có lẽ đây là phần được mong chờ nhất và náo nhiệt nhất của lễ hội Lồng tồng. Mở đầu bằng phần văn nghệ mừng hội. Nhiều tiết mục đặc sắc được Câu lạc bộ Đàn tính – hát then Quê hương (xã Cư M’gar) biểu diễn phục vụ bà con. Vài điệu then, lượn cất lên, không khí của một hội Xuân xứ Lạng tràn về, làm lâng lâng lòng người. Tiết mục “Hát mừng trẩy Hội” xướng lên, mọi người vỗ tay hát theo, tô thắm thêm tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc: “Ơ, Ngày hội Lồng tồng tính tẩu reo vui/ Ngày hội cầu mùa Pi lễ xốn xang/ Ngày hội Lồng tồng người Mông xuống núi/ Người Tày người Nùng kết bạn người Mông/ Người Kinh người Dao sớm lửa tắt đèn/ Cùng bạn người Hoa cầm tay nhau hát/ Ngày hội non sông rực rỡ núi rừng…”. Bác Lô Hoàng Hiếu (dân tộc Tày, ở thôn 3, xã Cư M’gar) nói, nghe các điệu hát, bác thấy trong lòng có một cảm xúc thật khó tả, như đang ở chính trên mảnh đất mà mình chôn nhau cắt rốn vậy… Quê ở tận Cao Bằng, vào Dak Lak lập nghiệp, đã lâu không có điều kiện về thăm quê. Lễ hội là dịp để bác tìm lại không khí Xuân quê hương và thấy ấm lòng hơn… Ngoài các làn điệu cổ, nhiều tiết mục biểu diễn trong lễ hội được đặt lời mới cho phù hợp với địa phương nơi sinh sống. Cầm trên tay cây đàn tính tự chế tác, bác Lô Hoàng Thiện (dân tộc Tày, 70 tuổi), vừa biểu diễn xong tiết mục “Tây Nguyên Mừng Đảng - Mừng Xuân” dựa vào điệu then cổ và được đặt lời mới, cho biết, không đợi đến lễ hội, hễ khi nào rảnh rỗi là bác đem đàn tính ra, cả nhà cùng đàn hát để không được quên giai điệu quê hương...
Gái trai hào hứng tung còn.
Gái trai hào hứng tung còn.
Phần hội càng trở nên sinh động, vui nhộn hơn  khi mọi người cùng hào hứng tham gia vào các trò chơi dân gian đặc sắc: Tung còn, đánh cù, đi cầu kiều, bịt mắt đánh trống… Mở đầu là hội tung Còn.  Một cây Còn bằng tre cao hơn 15 mét, ở giữa gắn vòng tròn có tâm màu đỏ, được dựng giữa một thửa ruộng to. Những quả Còn được khâu bằng vải, bên trong có hạt thóc, hạt bông nén chặt, ngoài có tua ngũ sắc, được người chơi thi nhau ném lên vòng tròn. Ném Còn làm cho người trong cuộc thì hào hứng tung Còn thật cao và chính xác, người đứng ngoài, vây thành vòng xung quanh hội Còn hò reo, cổ vũ khiến không khí cuộc chơi sôi nổi, hấp dẫn hẳn lên. Theo quan niệm của người Tày, Nùng, ai ném quả còn trúng tâm sẽ là người gặp nhiều may mắn nhất trong năm. Già, trẻ, gái trai cố trướn người, thi nhau tung còn sao cho có đường đi đẹp nhất và trúng vào chính tâm. Hội Còn cũng là dịp để trai gái gặp gỡ, bày tỏ tình cảm... Đến với lễ hội Lồng tồng, du khách còn có dịp được biết đến và thưởng thức các loại ẩm thực truyền thống của người Tày, Nùng tại gian hàng trưng bày ẩm thực. Ở đây có đủ các loại bánh đặc trưng, mang nét truyền thống của dân tộc Tày, Nùng trong các dịp lễ, tết để du khách thưởng thức như: Bánh dày, tro bếp, dày, vắt vai, sừng bò… Đứng trước gian hàng ẩm thực, chị Thậm Thị Nịnh (dân tộc Tày) vui vẻ giới thiệu, hai loại bánh dày và bánh tro bếp là thứ không thể thiếu trong các ngày lễ, tết của người Tày…

Lễ hội đã trở thành một điểm nhấn về nét văn hóa đặc sắc của người Tày, Nùng  ở Cư M’gar và góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc  trên Cao nguyên.

 

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc