Multimedia Đọc Báo in

Khi lễ hội được cộng đồng tự chủ

08:05, 28/02/2017

Hằng năm, huyện Cư M’gar có 5 lễ hội truyền thống của người dân tộc thiểu số được tổ chức định kỳ, thu hút ngày càng nhiều người tham gia, nhất là các dân tộc anh em chung sống trên địa bàn.

Điều đáng nói là việc tổ chức lễ hội ở đây đã được cộng đồng hoàn toàn tự chủ - từ khâu vận động, tìm kiếm nguồn tài chính, cho đến nội dung và hình thức thể hiện. Qua đó dần cho thấy sự chân thật, sinh động có trong từng lễ hội đã được chủ nhân của nó thực hành đầy đủ và rõ nét, góp phần bảo tồn và phát huy đúng nghĩa bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc.

Những ngày đầu năm 2017 vừa qua, người Sê Đăng ở buôn Kon Hring (xã Ea H'ding - huyện Cư M’gar) lại cùng nhau tổ chức Lễ mừng cơm mới. Trưởng buôn A Nít cho biết, như thường lệ bà con tự nguyện đóng góp tiền của để đãi đằng khách khứa và hơn thế là để cùng nhau chia sẻ tâm tư, tình cảm sau một năm lao động miệt mài. Ngoài 3 triệu đồng của UBND huyện Cư M’gar hỗ trợ để tổ chức, gần 180 hộ dân ở đây đã tự nguyện đóng góp thêm (tiền mặt, cơm nếp, rượu cần và tất cả sản vật có được) để làm bữa cơm cộng cảm đầu năm tại lễ hội. Già A Nen bảo rằng đã gần mười năm qua, Lễ mừng cơm mới của người Sê Đăng buôn Kon Hring luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người chính là bữa cơm cộng cảm ấy. Sau khi cây nêu dựng lên để báo với Yàng và các vị thần về dự lễ trong tiếng chiêng, kèn, trống rộn rã là nghi thức đón hồn lúa về kho. Lúa mới được xay – giã - giần - sàng để thổi cơm dâng cúng, sau đó chủ và khách dự lễ cùng thưởng thức như là cách tri ân với đất trời. Thực hành văn hóa ấy, nói như già A Nen là đến nay có chút khác biệt so với trước, bởi bà con trong buôn không còn độc canh cây lúa truyền thống mà còn thâm canh thêm các loại cây công nghiệp khác như cà phê, hồ tiêu, cao su, hoa quả… nên nghi lễ mùa vụ nông nghiệp trong Lễ mừng cơm mới ở đây đã giản lượt bớt ít nhiều. Tuy nhiên, phần hội vẫn thế - nhảy múa, đánh chiêng để thông đạt với Yàng và thần linh được cả cộng đồng hưởng ứng. Không ai đứng ngoài cuộc cả, già trẻ, lớn bé, gái trai đều góp mặt, vì đó là nhu cầu tự thân của họ nhằm thỏa mãn đời sống tinh thần vốn có của cộng đồng buôn Kon Hring.

Tấu chiêng trong Lễ mừng cơm mới ở buôn Kon Hring, xã Ea H'ding, Cư M'gar.
Tấu chiêng trong Lễ mừng cơm mới ở buôn Kon Hring, xã Ea H'ding, Cư M'gar.

Yếu tố chân thật đó cũng dễ nhìn thấy qua các lễ hội Cúng bến nước (buôn Tul - xã Ea Tul), Lễ hội cồng chiêng (buôn Pơng - xã Cư M’gar), hay Lễ hội Lồng tồng của người Thái (buôn Thái - xã Ea Kuêh) của huyện Cư M’gar. Những lễ hội truyền thống này được bà con đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức theo mùa vụ thích hợp trong năm để giữ gìn, bảo tồn vốn văn hóa của mình. Theo ông A Mang- Phó trưởng Phòng VH-TT huyện Cư M’gar, điều đáng nói là từ khi được trao quyền tự chủ cho các cộng đồng người nói trên đứng ra tổ chức lễ hội thì ý nghĩa đạt được và sức lan tỏa của nó không ngừng phát huy. Điều đó được kiểm chứng qua từng năm (kể từ 2013 đến nay), số người tham gia đông hơn, bản sắc văn hóa hiện ra rõ nét và đậm đà hơn. Đặc biệt là dù không có “kịch bản” trước và cũng không có “ông bầu” dẫn dắt, tài trợ… nhưng tất cả - từ phần lễ đến phần hội đều được các cộng đồng người ở đây tái hiện, thực hành hết sức chân thật và trọn vẹn.

 

 “Từ khi được trao quyền tự chủ cho các cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ đứng ra tổ chức lễ hội thì ý nghĩa đạt được và sức lan tỏa của nó không ngừng được phát huy”

   

 
Ông A Mang-Phó trưởng Phòng TT-VH huyện Cư M’gar  

Già làng Y Knéh ở buôn Tul cho biết, trước đây lễ Cúng bến nước được chính quyền địa phương đứng ra bảo trợ và hướng dẫn, cán bộ trên huyện về bảo bà con làm gì, thì cứ thế mà theo. Kinh phí do Nhà nước lo, nên bà con tỏ ra ái ngại khi tham gia, dẫn đến không ít thành viên trong cộng đồng đóng vai người “dự khán”. Thêm nữa, vài chóe rượu cần, con gà, miếng thịt…được thầy cúng cầu khấn qua loa tại bến nước rồi kéo về Nhà văn hóa cộng đồng ăn uống là xong, vì thế dư âm của lễ hội để lại trong cộng đồng trở nên nhạt nhòa. Bây giờ thì khác, Lễ cúng bến nước ở buôn Tul được bà con đứng ra tổ chức nên hình thức lẫn nội dung thực hành mới đúng nghĩa. Già Knéh diễn giải: Lễ cúng bến nước trước hết là cúng sức khỏe cho chủ buôn (khoah buôn), sau mới đến cúng các thần (rừng, nước, đất) nhằm cầu mong cho dân làng bình yên, sức khỏe với thái độ hành xử biết ơn, nâng đỡ nhau một cách nhân văn nhất. Có thể nói đó là một thực hành văn hóa hữu hiệu nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ và gìn giữ nguồn tài nguyên nước cho cộng đồng.

Lễ hội cồng chiêng ở buôn Pơng cũng thế, một khi trao quyền cho cộng đồng người Êđê ở đây tổ chức, thì cồng chiêng đã được gắn kết, diễn xướng trong không gian “thiêng” của nó. Có nghĩa là âm thanh ấy được cất lên trong nghi lễ nào đó (tạ ơn, mừng sức khỏe, cúng lúa mới, bến nước…). Chính yếu tố đó đã làm nên không khí Lễ hội cồng chiêng đúng nghĩa, đúng bài bản truyền thống. Nhờ vậy mọi thành viên trong cộng đồng mới hưởng ứng, chia sẻ và thụ hưởng giá trị văn hóa ấy của cha ông một cách hào hứng và đồng điệu. Ông Ama Lơng - Buôn phó buôn Pơng chắc rằng, nếu tất cả các lễ hội được tự thân cộng đồng lưu giữ, nuôi dưỡng và thực hành hằng năm bằng tâm thế sống và vốn hiểu biết sâu sắc của tất cả mọi người, thì việc làm sống lại nó sẽ không khó và ngày càng trở nên sinh động, hiệu quả hơn trong đời sống sản xuất, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Còn nếu cứ để cho người ngoài cuộc, hoặc “ông bầu” nào đó chi phối, can thiệp quá sâu sẽ nhạt nhòa dần vốn văn hóa giàu bản sắc ở đây.

Lễ cúng mừng cơm mới ở buôn Kon Hring, xã Ea H'ding, Cư M'gar.
Lễ cúng mừng cơm mới ở buôn Kon Hring, xã Ea H'ding, Cư M'gar.

Nhận xét, đánh giá của ông Ama Lơng một lần nữa cho thấy, một khi lễ hội được cộng đồng tự chủ tổ chức, chứ không còn là tham vấn nữa, nó tự thân sống lại và tạo ra sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng xã hội. Từ góc nhìn đó hy vọng sẽ giúp cơ quan nghiên cứu, quản lý văn hóa ở Đắk Lắk lưu tâm, tham khảo để từng bước xây dựng kế hoạch, lộ trình gìn giữ, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa ở vùng đất giàu bản sắc này ngày càng phù hợp, hữu hiệu hơn.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc