Lãng mạn biển Cà Ná
Cà Ná thuộc huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận), cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm chừng 30 km về phía nam. Đây là xứ sở của nắng, gió, cát trắng, biển xanh và núi rừng hoang dã.
Bãi biển Cà Ná dài chừng 3 km, nằm sát quốc lộ 1A. Thiên nhiên đã ban tặng cho miền đất Ninh Thuận một bãi biển với cảnh quan tuyệt đẹp. Nước biển Cà Ná trong xanh màu ngọc bích, cát trắng mịn xen kẽ với muôn vàn khối đá lớn nhỏ, trải dài, uốn lượn quanh co hình cánh cung. Những dãy núi như bức tường thành vĩ đại, sừng sững trông ra đại dương mênh mang lộng gió. Trời, mây, non, nước biển Cà Ná quyện vào nhau tạo thành bức tranh tuyệt mỹ làm xao xuyến lòng lữ khách.
Sau khi đắm mình, đùa giỡn thỏa thuê dưới làn nước trong xanh của biển, du khách lên bờ điểm tâm với cháo hàu, bún cá, bánh căn, bánh quai vạc... Và khi đã hoàn toàn khỏe khoắn, hưng phấn, du khách có thể leo núi, thăm chùa, tìm hái những quả rừng ăn được như trâm, mơ rừng, khoai rạng, nhãn rừng... Thật thú vị khi len lỏi qua hàng nghìn, vạn tảng đá lớn nhỏ đủ các hình thù kỳ dị: Có đá như đầu người, tượng Phật, hay hình voi, sấu, cá, sư tử...; lại có những hòn đá nằm chơi vơi tưởng như chỉ cần một lực nhỏ có thể làm đổ xuống nhưng đá núi Cà Ná đã tồn tại như thế hàng triệu năm bên bờ đại dương lộng gió... Sâu vào phía trong núi là những khu rừng nhiệt đới khô hạn, có khá nhiều động thực vật sinh sống.
Một góc biển Cà Ná. |
Nếu leo núi ở Cà Ná vào mùa xuân, bạn sẽ gặp nhiều loài hoa dại tuyệt đẹp như bằng lăng, sim, mua, trâm ổi, móng bò, lan... Nhưng thú vị nhất, đẹp nhất là vẫn là mai rừng. Theo lời những người dân địa phương, hàng chục năm trước đây, mỗi khi mùa xuân đến, trên dải núi Điện Bà chạy dọc dài theo biển Cà Ná là những rừng mai vàng rực rỡ, mọc xen kẽ với đá núi, đẹp vô cùng! Dân nghèo ở Phan Rí, Tuy Phong rủ nhau đi đốn mai rừng về bán ở chợ Phan Thiết, Phan Rang... Bây giờ, tết đến, trên núi vẫn còn mai, nhưng không còn nhiều như xưa nữa.
Ở biển Cà Ná, vào những lúc thủy triều xuống, du khách có thể trải nghiệm hoạt động “cạy” hàu. Hàu là loài nhuyễn thể sống bám vào các tảng đá, ghềnh đá, chân cầu, xác tàu chìm... Dụng cụ cạy hàu thường là một cái đục hoặc một con dao phay nhỏ, mũi nhọn cứng. Bạn mang giày vải, đi len lỏi giữa những ghềnh đá, quan sát từ “chớn” (vạch) nước biển in trên đá trở xuống sát đáy. Nhìn kỹ, bạn sẽ gặp những con hàu bám rất sát, cứng vào vách đá. Dùng đục hoặc dao cạy, vỗ miệng hàu bật ra và lấy phần thịt mềm. Nếu chịu khó đi cạy hàu chừng vài tiếng đồng hồ, bạn sẽ có một nồi cháo hàu “hết sảy” để lai rai... cũng là một thú vui để thư giãn.
Vào những ngày có trăng, đêm xuống trên biển Cà Ná đẹp như chốn đào nguyên, trăng vàng trong như mật, sóng lấp lánh, óng ánh như muôn vàn vẩy bạc, những tảng đá dưới ánh trăng như đứng trầm tư, mặc tưởng! Du khách có thể ngồi ở sân thượng của nhà hàng hoặc dưới bóng những cây phi lao, những cây bàng ngắm trăng sao, hứng ngọn gió mát lành từ biển khơi thổi về lồng lộng, vi vu... Bạn sẽ thấy thật thú vị khi thưởng thức đặc sản biển được chế biến từ rất nhiều loại hải sản như: gỏi cá mai, mực một nắng, ốc vỗ, ghẹ hấp bia, gỏi ốc giác, lẩu cá bóp...
Hiện nay, Cà Ná đang dần khẳng định là một khu du lịch, nghỉ dưỡng tuyệt vời với những khách sạn, nhà nghỉ có đầy đủ tiện nghi hiện đại giữa một khung cảnh biển, núi, rừng hoang sơ hùng vĩ. Cà Ná để lại nhiều ấn tượng khó quên cho những ai đã một lần đến đây…
Đặng Hoàng Thám
Ý kiến bạn đọc