Giữa hai chiều độc mộc
Rồi một ngày nào đó, bạn cứ hình dung xem trên các dòng sông ở Tây Nguyên không còn một dáng thuyền độc mộc thì cảm giác sẽ ra sao? Có lẽ sự trống vắng ấy sẽ “sổ một nét thẳng đứng lạnh lùng” trong cảm thức của mọi người vốn dĩ nhận diện và nghĩ về vùng đất này một cách “không rành mạch”.
Rành mạch sao được khi rừng giữ nước nuôi sông và ban tặng cho con người nhiều ân sủng, trong đó có con thuyền độc mộc. Đáp lại, đời sông luôn ôm bóng cả hai để được thiết tha, yêu chiều trước khi về với biển. Một khi hiểu ra điều đó, tôi cũng như bạn ngoảnh mặt ra sông mà không thấy rừng - độc mộc trên dòng xanh thẳm ấy mới chợt chạnh lòng. Với tôi, con thuyền đơn thân được “hóa kiếp” từ những cây cổ thụ giữa đại ngàn kia, giờ đây sao mà chông chênh đến lạ! Cái chông chênh ấy, tôi lờ mờ nhận ra - một bên là rừng, bên kia là sông và độc mộc đang khắc khoải giữa hai chiều thương nhớ.
Độc mộc nhớ rừng
Độc mộc đi ra từ rừng - cô gái có tên H’Zúp ở buôn Jun (thị trấn Liên Sơn - huyện Lắk) nói như thế, rồi chèo con thuyền thân gỗ đã không còn lành lặn đưa tôi dạo chơi trên Hồ Lắk. Hồ rộng mênh mông, nhưng chỉ có mỗi độc mộc của H’Zúp, nên tôi hỏi: “Chiều đẹp thế này mà không thấy ai lướt thuyền?”. Vén mái tóc dài lấm chấm ướt, cô gái M’nông này cố nói rõ to cho tôi nghe, kẻo sợ gió cuốn mất: “Lấy đâu ra độc mộc nữa, cả buôn Jun còn lại vài chiếc, người ta góp vào cho khu du lịch hết rồi. Lấy ra đi chơi không được đâu, phải có tiền nộp vào cho du lịch. Độc mộc của em không vào du lịch nên mới đưa anh đi được chớ…”. Hóa ra là vậy, ở khu du lịch buôn Jun này, tài sản của bà con (voi, nhà dài, thuyền độc mộc) đều được huy động đóng góp và ăn chia phần trăm hết, chứ họ chẳng đầu tư, sắm sanh một thứ gì. “Tài sản của bà con là sản phẩm của ngành du lịch ở đây mà!” - H’Zúp cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi bằng một câu bình phẩm.
Người dân đi thuyền độc mộc - Ảnh: NAM PHƯƠNG. |
Trong câu chuyện với H’Zúp, tôi hiểu ra vì sao độc mộc ở vùng quê “trên bến dưới thuyền” này trở nên thưa vắng đến thế. Thì ra, từ khi cửa rừng đóng chặt, người dân tìm đâu cây to để làm thuyền. Một vùng dân cư người M’nông sống quanh Hồ Lắk rộng lớn chỉ còn lại 22 thuyền độc mộc. Con số này tôi được biết do ngành văn hóa-du lịch địa phương khảo sát và thống kê được từ năm 2000, khi có một hội nghị bàn giải pháp phát triển du lịch của 4 tỉnh Tây Nguyên rầm rộ tổ chức tại đây. Sau đó theo thời gian, số thuyền độc mộc trên giảm dần và đến nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay! H’Zúp dẫn tôi đến nhà già làng Y Siên Ông ở buôn M’Liêng nằm bên mạn Tây - Nam Hồ Lắk để được tiếp tục nghe tâm sự về độc mộc. Già nói: “Tao bỏ cái độc mộc lâu rồi. Có cái cây Pnhul (sao nước) đâu nữa mà nghĩ đến nó. Kiểm lâm cấm, nên gần hai chục năm nay có làm lễ cúng cái độc mộc nào nữa đâu. Còn dăm bảy cái ở vùng Hồ Lắk này thì góp vào làm du lịch, lâu rồi cũng hư vì chẳng ai ngó ngàng tới”. “Sao lạ thế, tài sản của mình mà?” - Tôi thắc mắc. H’Zúp nối lời già Siên cắt nghĩa: “Biết là tài sản của mình, nhưng phải mang đến bến thuyền của công ty du lịch để khi có khách yêu cầu, họ còn gọi… chứ đóng góp bằng miệng thì ai tin. Thành ra thời gian vắng khách, nhất là mùa mưa, thuyền độc mộc cứ bập bềnh theo dòng nước, có khi còn trôi mất nữa anh ạ, huống gì là mục nát”. Tôi thầm nghĩ: phải rồi, hai nguyên nhân ấy khiến độc mộc ở đây sắp đi vào… ký ức!
Đến giờ, chỉ có nhà H’Zúp là còn độc mộc chở khách (quen thân) đi thăm thú Hồ Lắk không mất tiền. Tài sản này tuy không lớn, nhưng tôi biết mọi thành viên trong gia đình cô “chăm bẵm” nó như của quí. Đi về là đem lên bờ phơi cho khô ráo, thỉnh thoảng đưa vào gác trên chái nhà cho có khói bếp ấp ủ, hong hanh. Bởi nói như già Siên, còn độc mộc là còn kỷ niệm. Kỷ niệm đẹp đẽ và biết ơn về rừng. Ngày xưa quanh Hồ Lắk rừng nhiều lắm, cây gỗ sao thường để làm độc mộc đứng cạnh mép nước thẳng và dày như mía. Người M’nông quần cư ở đây làm lễ tạ ơn rừng, rồi xin cây về làm thuyền độc mộc. Những cung đoạn “hóa thân” cây rừng để nó trở thành hình ảnh gần gũi, thân thuộc có trong mỗi nếp nhà, già Siên vẫn nhớ. Đầu tiên, người ta dùng rìu, đục để móc ruột thân cây ra. Vừa móc vừa dùng lửa đốt cho nhanh, đến khi thành dáng con thuyền thì vuốt thêm hai đầu cho thon thả, sau đó đem ngâm dưới nước. Vài ba con trăng đi qua thì vớt lên phơi, lấy vật nặng như đá, gỗ đè lên cho thân thuyền không vênh vẹo. Lúc “hạ thủy” là thời khắc quan trọng nhất - phải là một đêm đẹp trời mới đưa độc mộc rời bờ sau khi cúng thần rừng, thần nước. Già Siên bảo: “Đưa độc mộc đi trong đêm là để không thấy ánh mặt trời, nhưng nó biết tìm đường mà về, dù trên sông hay hồ, đầm đầy rừng cây và mênh mông nước”. Qua lời già Siên, tôi mới hay độc mộc bấy giờ đã mang tâm hồn, gương mặt của người tạo tác. Hèn nào, hình ảnh đó thường gợi lên kỷ niệm và nỗi nhớ thường trực trong mỗi người.
Sông nhớ độc mộc
Đi ra từ rừng, nhưng độc mộc sống cuộc đời với sông. Ai cũng nhận ra điều đó, bởi trên các dòng sông lớn ở Tây Nguyên - từ Pô Kô, Đắk Bla (Kon Tum), sông Ba, Iyali (Gia Lai), Sêrêpốk (Đắk Lắk) cho đến Krông Nô, Đồng Nai Thượng (Đắk Nông-Lâm Đồng)… đều in bóng thuyền độc mộc. Cả hai hợp thành một sinh thể đúng nghĩa để chuyên chở mọi trạng thái cảm xúc trong đời sống, sinh hoạt của cư dân bản xứ.
Cũng dễ hiểu thôi, độc mộc theo sông tìm kế mưu sinh, đi thăm nhau lúc trái gió trở trời và kể cả đi chơi mùa lễ hội. Vai trò của con người trên “phổ màu” văn hóa ấy đôi khi lắng xuống, tan ra để nhường chỗ cho sinh thể kia phô diễn. Nói thế có cực đoan lắm không? Anh bạn đồng nghiệp của tôi - Nguyễn Thịnh (ở Báo Lao Động) từng sống và gắn bó nhiều năm với vùng đất Ayunpa, nơi có Bến Mộng đẹp như tranh vẽ nằm cạnh dòng sông Ba từng “cực đoan” rằng: Mỗi lần về đây, không thấy người cũng được, miễn còn những dáng độc mộc trên sông. Độc mộc neo giữ tình cảm con người ta với từng dòng sông. Tôi vẫn tin thế và đồng điệu với bạn theo ý hướng này. Tôi cũng như Nguyễn Thịnh đã đi qua những dòng sông ấy và yêu nó thêm nhờ độc mộc.
Rồi một ngày cuối năm, bạn gọi cho tôi thông báo rằng những con sông kia đang nhớ… độc mộc, đừng trở lại thêm buồn! Hỏi ra thì bạn trả lời: “Sông nhớ độc mộc”- phóng sự đăng trên Báo Lao Động, đọc chưa?”. Rồi! Vẫn góc nhìn như tôi, nhưng Nguyễn Thịnh còn chua chát, gai góc hơn khi đặt vấn đề: Thủy điện đã khiến các con sông Tây Nguyên trơ đáy, độc mộc đã “chết” theo sông trong nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Xót quá, vì nhìn ra vùng đất mình đang sống, tình cảnh ấy cũng chẳng khác gì. Tôi đã thấy và đã viết về sự kiệt nước dòng Sêrêpốk vì thủy điện. Hệ lụy này để lại hậu quả khó lường, trong đó có thân phận độc mộc. Nó cũng đã “chết” thật sự khi tour du lịch thả độc mộc theo sông từ buôn Trí A đến thác Đrăng Phốk bị hủy bỏ do nguồn nước bấp bênh, không bảo đảm. Độc mộc nằm đó, không phải trên sông mà trên… ghềnh đá đen trũi, có chiếc đã vặn vẹo, cong mình như một dấu hỏi lặng thinh giữa trời.
Độc mộc nhớ rừng - Sông nhớ độc mộc. Sự dùng dằng không rành mạch ấy đáng để cho con người ta nghĩ ngợi, phải không độc mộc?
Tháng 12-2015
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc