Kỳ bí núi Cậu
Mùa hè, đến Tịnh Biên (tỉnh An Giang) leo núi Cậu khám phá những điều kỳ bí, nghe những câu chuyện huyền thoại hấp dẫn từ thuở xa xưa khi vùng đất này vẫn còn hoang dã…
Núi Cậu là một ngọn núi nhỏ, cao khoảng 250 m, nằm phía sau Thiền viện Đông Lai thuộc xã An Phú, huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang), cạnh Quốc lộ 91 đường lên biên giới Việt Nam - Campuchia.
Chúng tôi bắt đầu hành trình lên núi Cậu vào buổi sáng, khi mặt trời lên nganh đọt dừa. Con đường mòn dẫn lên núi Cậu hoang vắng. Đầu mùa mưa, rừng cây lác đác xanh thắm trở lại sau một mùa khô khắc nghiệt, cỏ cây cằn cỗi, xác xơ. Quanh co chừng 20 phút chúng tôi đến sân Tiên.
Sân Tiên là một sân đá tương đối bằng phẳng, rộng non 0,2 ha. Giữa sân Tiên có một thạch bàn để bát nhang, trước thạch bàn có một lư đỉnh to thiếp vàng đặt ở hướng mặt trời lặn. Bên trái, trước thạch bàn, có bàn chân tiên khổng lồ (chân phải), to gấp 10 lần chân người bình thường vẫn còn in rõ nét trên nền đá. Chung quanh sân Tiên còn có 11 cái giếng nhỏ gọi là giếng Tiên. Phía sau, bên phải thạch bàn là một ngôi miếu nhỏ thờ “Cậu Tài, Cậu Quý” và các vị sơn thần, thổ địa, tiên cô, thần tài, thần Hổ; kề gần đấy có am thờ Mười Cô; cận lối mòn lên đỉnh có miếu thờ Thần Y. Theo người dân địa phương, đây là các linh thần cư trú, ngự trị ở núi Cậu rất linh thiêng.
Sân Tiên trên núi Cậu. |
Đến sân Tiên, du khách có dịp nghe kể sự tích về “Cậu Tài, Cậu Quý”, hai “chàng tiên” hào hoa, phong nhã thường trốn xuống trần gian chơi. Một ngày Ngọc Hoàng biết chuyện, nổi giận quở trách sơn thần, thổ địa ở núi Cậu bao che không báo cáo “hành vi của hai cậu” lên trên. Ngọc Hoàng cấm cậu Tài, cậu Quý, sơn thần, thổ Địa và mười cô tiên… không được đi ra khỏi phạm vi núi Cậu...
Tiếp tục hành trình, chúng tôi leo lên chót vót đỉnh, nơi có miếu thờ Bà Chúa Sơn Lâm. Đoạn đường khá hiểm trở với dốc cao, quanh co khúc khuỷu. “Miếu Bà” nhỏ, gọn, trang nghiêm luôn có nhang khói của khách thập phương cúng viếng. Đứng trên đỉnh non ngàn, ta có thể thấy bao quát vùng đất biên giới Tịnh Biên có con kênh Vĩnh Tế như dải lụa trắng lượn lờ giữa những cánh đồng xanh mướt, bao la… Theo truyền thuyết, Bà Chúa Sơn Lâm chính là Mẫu Thượng Ngàn hay Bà Chúa Thượng Ngàn có xuất xứ ở miền Bắc Việt Nam. Bà chính là La Bình quận chúa, con gái của Sơn Tinh và công chúa Mỵ Nương. Bà Chúa Sơn Lâm được nhiều nơi tôn thờ, coi là người cai quản núi non, đại ngàn, rừng rú. Những người đi rừng và bá tánh muốn được bình yên, vô sự, tai qua nạn khỏi thường cầu xin sự che chở, phù hộ của Bà.
Dưới chân núi Cậu còn có ngôi chùa được người dân gọi bằng cái tên rất kỳ lạ: “Chùa Bánh Xèo”. Chùa Bánh Xèo là tên gọi dân gian của Đông Lai Thiền Viện hay chùa Phật Nằm, ngôi chùa do Hòa thượng Thích Thiện Chí trụ trì chấp pháp. Hiện Chùa Bánh Xèo nằm trong danh mục điểm tham quan của nhiều công ty du lịch lữ hành.
Chùa Bánh Xèo đang được trùng tu với quy mô hoành tráng. Bên phải mặt tiền chánh điện là tượng Phật Bà Quan Âm với cụm núi Ngũ Hành, bố cục giản dị nhưng trang nghiêm; chính điện rộng thoáng, ở giữa và hai bên có hình tượng chư Phật và các vị Bồ Tát…
Chùa Đông Lai sở dĩ được gọi là “Chùa Bánh Xèo” bởi lâu nay chùa thường đãi bánh xèo miễn phí cho khách thập phương viếng chùa, những dịp như ngày rằm, lễ lớn, chùa phải chiên đến hàng nghìn chiếc bánh xèo, gói 700-900 đòn bánh tét đãi khách. Vào nhà bếp của chùa, du khách sẽ chứng kiến giàn chảo đổ bánh xèo “khủng” với 40 bếp thủ công. Lực lượng phục vụ đổ bánh xèo đều là những phật tử ở địa phương và các nơi tự động đến làm công quả. Sau khi ăn bánh xèo, khách thăm chùa còn được phục vụ cà phê đá miễn phí!
Leo núi Cậu nghe kể chuyện “tiên”, ngắm cảnh núi non hùng vĩ; xuống núi vào chùa lễ Phật, lại được thưởng thức bánh xèo thơm phức. Núi Cậu kỳ bí có chùa Bánh Xèo mến khách luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách…
Đặng Hoàng Thám
Ý kiến bạn đọc