Multimedia Đọc Báo in

Long Hồ dinh - dấu xưa thành Vĩnh Long

14:43, 26/05/2017

TP. Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) ngày nay, dưới thời các chúa Nguyễn là một phần của dinh Long Hồ.

Dinh Long Hồ lúc ấy gồm các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và một phần Cần Thơ được hình thành từ năm 1732. Do đó, nơi đây còn  lưu nhiều di tích lịch sử văn hóa như: thành xưa Long Hồ được xây dựng năm 1813, miếu Công Thần, Văn Thánh Miếu, đình Tân Hòa, chùa Giác Thiên…

Theo tư liệu của Bảo tàng Vĩnh Long và các tư liệu khác như sách Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Gia Định thành thông chí…, vào giữa thế kỷ 18, dinh Long Hồ là đại bản doanh của quân đội nhà Nguyễn ở phương Nam, có nhiệm vụ phòng thủ, ổn định và bảo vệ đất nước. Sử cũ còn ghi: “Vào năm Canh Dần 1770, tại vùng đất này, lưu thủ dinh Long Hồ đã chặn đánh tan tác quân Xiêm La do Chiêu Khoa Liên cầm quân, tiêu diệt 300 tên địch, làm tan vỡ âm mưu xâm chiếm nước Việt của chúng”. Nơi đây cũng từng diễn ra nhiều cuộc giao chiến ác liệt giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh. Năm 1784, tại sông Mang Thít (Vĩnh Long), nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã đánh bại liên quân Xiêm - Nguyễn Ánh.

Theo sách Gia Định thành thông chí, tháng 2, đời Gia Long thứ 12 (1813) triều đình Huế lệnh cho quan Khâm mạng Trấn thủ Lưu Phước Tường của trấn Vĩnh Thanh xây dựng thành Long Hồ. Thành đắp bằng đất, cửa chính hướng Đông – Nam. Chu vi thành rộng 750 trượng (một trượng bằng 3 thước), cao 1 trượng, dày 2,5 trượng. Thành có 5 cửa quay về 5 hướng Đông – Tây - Bắc – Đông Nam và Tây Nam. Cửa tiền của thành ở hướng Đông. Bên ngoài mỗi cửa thành đều có một đoạn thành cong án ngữ bao vòng cửa; bốn góc thành tạo thành hình hoa mai. Quanh thành có hào rộng, sông sâu. Trong thành có 2 con đường dọc, 3 đường ngang, 3 công thự, kho lương, nhà thừa ty, trại lính và hành cung. Phía đông thành có quan lộ chạy dọc sông Long Hồ, phía tả là nhà Sứ Quán, phía hữu là chợ Vĩnh Thanh. Riêng góc nam của thành, chỗ tiếp giáp đường cừ và sông Long Hồ, có xưởng Thủy sư (xưởng đóng tàu chiến).

Cổng thành Long Hồ ngày nay.
Cổng thành Long Hồ ngày nay.

Trải qua thời gian và những biến động lịch sử, thành xưa chỉ còn trong tư liệu, sử sách.  Di tích ngày nay gồm có cổng thành mô phỏng theo sách, tư liệu cũ, giả cổ khá đẹp, cửa vòm hình vòng cung, mái lợp ngói  miểng xanh. Qua cổng  thành bước lên 18 bậc tam cấp sẽ đến nhà bia.  Nhà bia có bố cục đơn sơ nhưng trang trọng với lư đỉnh đặt trước văn bia. Văn bia kể tóm tắt, sơ lược nguồn gốc, xuất xứ của trấn Vĩnh Thanh và thành Long Hồ. Các hoa văn, phù điêu trang trí trong nhà bia đơn giản hài hòa với nét chân phương, thanh nhã.

Chung quanh di tích là một khuôn viên thoáng mát có nhiều cây cảnh, hoa kiểng với “cây đa cửa hữu” tỏa che rợp mát một vùng đất rộng… Viếng thăm di tích “cửa hữu thành Long Hồ”, ta dễ có cảm xúc hoài cổ khi mường tượng nơi đây hơn một thế kỷ trước là thành quách oai nghiêm, trú sở hiểm yếu của quân binh thành Long Hồ, sau là thành Vĩnh Long, bây giờ chỉ còn lơ thơ dấu vết!

Đến thăm Văn Thánh Miếu ở khóm 3, phường 4, TP. Vĩnh Long, ta sẽ thấy lại những dấu xưa trên những di tích còn đậm dấu ấn văn hoá cách đây non 150 năm. Văn Thánh Miếu được xây dựng năm 1864, thờ  Đức Khổng tử và các học trò của ông như Tăng Tử, Mạnh Tử, Nhan Tử… Ngôi miếu tọa lạc trên mảnh đất rộng trên 1 ha ngó ra sông Long Hồ. Kiến trúc của Văn Thánh Miếu sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa mang dáng dấp vừa cổ xưa vừa hiện đại. Cổng tam quan xây theo lối cổ lâu có ba tầng mái; sau cổng là thần đạo đi thẳng vào điện Đại Thành. Bên trong điện Đại Thành, nơi chính điện thờ Khổng Tử, hai bên Tả ban, Hữu ban thờ các thánh nho. Trong khuôn viên Văn Thánh Miếu còn có ao  sen và một công trình kiến trúc nhỏ nằm bên phải lối vào - đó là Tụy Văn Lâu (còn gọi là Văn Xương Các, là nơi thờ các ngài Văn Xương và Võ Trường Toản, đồng thời làm nơi dạy học, hội họp, đàm luận văn chương, đọc sách; là nơi các văn nhân, thi sĩ thường đến ngâm thơ, vịnh cảnh). Hai bên phải và trái trước Văn Xương Các có hai khẩu súng thần công đại bác, sơn màu đen bóng, tương truyền là súng đã dùng để bảo vệ thành Vĩnh Long từ năm 1860.  

Miếu Công Thần có tên chính thức là Công Thần Linh Miếu, tọa lạc tại phường 5, TP. Vĩnh Long là hậu thân của miếu Hội Đồng. Theo Đại Nam nhất thống chí, miếu Hội Đồng được xây dựng vào năm 1837, đời Minh Mạng. Miếu còn có tên cũ là Đình Khao do tương truyền các quan đời Nguyễn thường chọn nơi này để yến tiệc, khao thưởng quan quân. Hiện nay, đây là nơi duy nhất trong cả nước còn lưu giữ được đến 85 đạo sắc của nhà Nguyễn cấp thời Thiệu Trị và Tự Đức. 85 đạo sắc ấy phong cho 34 thần hiệu. Miếu Công Thần Vĩnh Long được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1998.         

Du khách còn có thể đến thăm các di tích khác như: chùa Giác Thiên (được xây dựng năm 1907, hiện tọa  lạc tại số 70 đường Trần Phú, TP. Vĩnh Long) có kiến trúc rất đặc sắc; cầu Lộ trên sông Cái Cá ở phường 1 (TP. Vĩnh Long) là  một cây cầu có từ đời Pháp thuộc. Dọc theo sông Cái Cá, trước khi Pháp chiếm thành Vĩnh Long, có khá nhiều lò rèn chuyên rèn, đúc, sửa chữa binh khí cho quân binh trấn thủ thành Long Hồ và các nơi khác.Trải qua bao thăng trầm lịch sử, những ngọn đèn trên Cầu Lộ vẫn còn với thời gian như những nhân chứng qua bao cuộc đổi thay...

Về TP.Vĩnh Long, tìm lại những dấu vết cổ xưa của Long Hồ dinh, gợi nhớ cho người ta về một thời quá khứ xa xôi trên mảnh đất phương Nam đầy những thăng trầm biến động của lịch sử…

Đặng Hoàng Thám


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.