Multimedia Đọc Báo in

Sâu lắng giai điệu Pháp trên cao nguyên Ban Mê

08:50, 29/07/2018

Lầu đầu tiên, những người yêu mến âm nhạc có dịp lắng đọng, say mê thưởng thức những giai điệu du dương, trữ tình, lãng mạn của nhạc Pháp trong khuôn khổ Liên hoan tiếng hát Pháp ngữ khu vực miền Trung - Tây Nguyên mở rộng lần thứ VII, năm 2018 vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột.

Liên hoan thu hút hơn 130 diễn viên không chuyên đến từ các tỉnh thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên (Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Đắk Lắk, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng) và đoàn khách mời Bến Tre. 20 tiết mục đơn ca, song ca, tốp ca xoay quanh chủ đề ca ngợi tình hữu nghị Việt – Pháp, vẻ đẹp đất nước, con người Pháp… được thể hiện dưới chất giọng trong trẻo, hồn nhiên của các “ca sĩ” học đường đến từ các trường đại học, trung học phổ thông, trung học cơ sở có dạy tiếng Pháp ở các tỉnh thành trên.

 Đến từ xứ Huế mộng mơ, với ca khúc “Un jour parfait pour nous”, tốp ca Huế có một tiết mục mở màn liên hoan ấn tượng khi đưa thính giả thả hồn về với Pari tráng lệ, bên dòng sông Seine thơ mộng với tiếng đàn guitar thánh thót. Đôi song ca Lê Thị Thục Uyên và Lê Trà Nguyên Thảo đến từ Quảng Nam với nhạc phẩm “Bonjour Vietnam” vui nhộn tiếp nối đã trở thành những “sứ giả văn hóa”, giới thiệu về mối quan hệ truyền thống, gắn bó giữa 2 nước với thính giả.

Nhạc phẩm  “La vie c’est une histoire d’amour” được đoàn Đắk Lắk trình diễn  tại liên hoan.
Nhạc phẩm “La vie c’est une histoire d’amour” được đoàn Đắk Lắk trình diễn tại liên hoan.

Là đơn vị chủ nhà đăng cai, Đắk Lắk có sự đầu tư bài bản, với lực lượng hơn 30 diễn viên, trình diễn tại liên hoan các nhạc phẩm “Riche”, “Si Jamais j’oblie”, “La vie c’est une histoire d’amour” vốn là những ca khúc đậm chất âm nhạc Pháp lãng mạn, sang trọng đã hoàn toàn chinh phục khán thính giả. Nhiều đoàn viên thanh niên của Thành Đoàn Buôn Ma Thuột đến tham dự liên hoan chia sẻ, tuy không biết tiếng Pháp, không hiểu được ca từ, song khi nghe giai điệu du dương, dưới tiếng đàn Violon mượt mà, vượt qua những bất đồng ngôn ngữ, các em cũng cảm thụ được sức quyến rũ của âm nhạc Pháp mang lại. Được biết để chuẩn bị cho liên hoan, các em sinh viên của Trường Đại học Tây Nguyên đã miệt mài tập luyện một tháng trời với mong muốn tạo ấn tượng mạnh cho các đơn vị bạn, nhất là các bạn Pháp lần đầu đến với Đắk Lắk.

Các đoàn Bến Tre, Bình Định, Đà Nẵng, Khánh Hòa… góp mặt tại liên hoan cũng nhận được những tràng pháo tay tán thưởng, cổ vũ nồng nhiệt của khán giả nhà. Những ca sĩ không chuyên, song với tình yêu âm nhạc Pháp, đã trình diễn các tiết mục một cách tự nhiên, trong sáng, khỏe khoắn, tươi vui, mang đến cho phố núi Ban Mê một đêm nhạc lắng đọng, khó quên.

Tiết mục “Xôn sang mênh manh cao nguyên Đắk Lắk” của đơn vị chủ nhà. Ảnh: Đ.Triều
Tiết mục “Xôn sang mênh manh cao nguyên Đắk Lắk” của đơn vị chủ nhà. 

Lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ, 15 du học sinh Pháp của các trường đại học theo đoàn Khánh Hòa đến tham dự liên hoan đã thật sự ấn tượng trước sự hiếu khách, thân thiện của chủ nhà, đặc biệt là khi tận mắt thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên qua các tiết mục trình diễn được dàn dựng công phu của các nghệ sĩ chuyên nghiệp đến từ Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk được mời diễn tại liên hoan. 

Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho Đắk Lắk;   hai đoàn Khánh Hòa và Đà Nẵng đồng giải Nhì; đồng giải Ba thuộc về hai đoàn Bình Định và Thừa Thiên - Huế.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đinh Tiến Dũng cho biết, liên hoan tiếng hát Pháp ngữ khu vực miền Trung - Tây Nguyên mở rộng lần thứ VII-2018 là một trong những hoạt động ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 45 năm hợp tác song phương giữa Việt Nam – Pháp (1973-2018), 5 năm quan hệ đối tác chiến lược (2013-2018) và chào mừng Quốc khánh Cộng hòa Pháp (14-7). Xác định đây là một trong những hoạt động ngoại giao văn hóa ý nghĩa, nên tuy chưa thành lập Hội hữu nghị Việt Nam – Pháp, song Đắk Lắk vẫn mạnh dạn đăng cai tổ chức với mong muốn tăng cường mối quan hệ giữa 2 nước, giới thiệu cho học sinh, sinh viên hiểu thêm về đất nước, con người Pháp thông qua âm nhạc.

Trong điều kiện nhạc Pháp, ngôn ngữ Pháp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, Liên hoan đã thật sự trở thành sân chơi ý nghĩa và bổ ích. Vượt qua những bất đồng về ngôn ngữ, âm nhạc đã giúp mọi người xích lại, gắn kết, gần nhau hơn. Những người bạn Pháp thích thú, nắm chặt tay những người bạn Việt, cùng hòa theo giai điệu các bài hát và lưu luyến chia tay, hẹn gặp lại nhau trong Liên hoan tiếng hát Pháp ngữ khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ VIII, năm 2019 được tổ chức tại Đà Nẵng.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.