Multimedia Đọc Báo in

Voi Tây Nguyên trong di sản ảnh

10:43, 27/11/2018
Địa bàn dân tộc, miền núi luôn được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhà nhiếp ảnh. Gần đây, kho tàng di sản ảnh về Tây Nguyên lần lượt được công bố, giới thiệu ở các bảo tàng, các cuộc triển lãm, xuất bản sách, trên các trang mạng xã hội và website của các nhà sưu tập tư nhân hay các tổ chức trong và ngoài nước.
 
Nhiều bộ ảnh, bức ảnh quý hiếm, giá trị với nhiều chủ đề khác nhau được công bố; trong đó, đáng chú ý là những bộ ảnh, bức ảnh chụp về voi Tây Nguyên ở thế kỷ trước được các nhà nhiếp ảnh ghi lại một cách tỉ mỉ.

Bộ sưu tập hình ảnh “Người Tây Nguyên” của EFEO (Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Paris) bao quát nhiều lĩnh vực, nổi bật nhất là tư liệu, hình ảnh về dân tộc học. Bộ sưu tập này đã được chuyển giao cho chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1957. Nhiều bức ảnh ghi lại các bộ tộc ở Tây Nguyên của Việt Nam, khẳng định sức quyến rũ của vùng đất xa xôi đối với các nhà thám hiểm cũng như các nhà dân tộc học của đầu thế kỷ XX, trong đó có Lesopold Sabatier, cha Kemlin, Henri Maitre, Jacques Dournes, Jean Boulbet và Georges Condominas. Trong năm 2014, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã được tiếp nhận bộ ảnh tư liệu dân tộc học gồm 200 bức về cuộc sống ở Tây Nguyên, do Jean - Marie Duchange (người Pháp, sinh năm 1919) chụp vào những năm 1952 - 1955. Trong 4 năm làm nhân viên y tế ở Tây Nguyên, Jean - Marie Duchange chụp khá nhiều bức ảnh khắc họa bức tranh văn hóa của các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Trong bộ sưu tập ảnh của ông, ta thấy những bức ảnh chụp về voi rất độc đáo, ấn tượng nhất là các bức ảnh thể hiện phương thức vận chuyển bằng voi.

Voi chở bưu phẩm thư báo.
Voi chở bưu phẩm thư báo.

Tây Nguyên vốn là mảnh đất gắn bó với cựu hoàng Bảo Đại, nơi đây có các biệt điện để vua nghỉ ngơi, có voi và những cánh rừng để vua đi săn. Hai bức ảnh chụp đội voi của vua Bảo Đại tại Lạc Thiện (huyện Lắk) chụp vào năm 1944 được lưu giữ tại nhà ông Lê Du (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk), người quản tượng cuối cùng của Bảo Đại là tư liệu rất giá trị về đàn voi của vua Bảo Đại.

Bộ sưu tập ảnh màu và đen trắng về voi Tây Nguyên của Tạp chí Life đã khắc họa rất sinh động, đặc sắc về hình ảnh những con voi nhà được huy động từ nhiều địa phương của tỉnh Đắk Lắk về tham gia Hội chợ Kinh tế Buôn Ma Thuột năm 1957. Ấn tượng nhất là bức ảnh ghi lại một đoàn voi đông đúc chưa từng có, đến gần 100 con, đang xếp hàng để chuẩn bị “diễu hành”. Hay những bức ảnh đẹp đầy chất liệu nghệ thuật khi tác giả ghi lại khoảnh khắc của cuộc đua voi khí thế ngút trời, những nài voi hăng say giơ dùi điều khiển voi rất dũng mãnh, bụi tung mù mịt trên đường đua; bức ảnh ghi lại đoàn voi nhà đang lội sông Sêrêpốk, ảnh chụp những chú voi băng qua cánh đồng xanh mượt ở vùng hồ Lắk. Hình ảnh đó khiến chúng ta liên tưởng đến lễ hội voi truyền thống ở Đắk Lắk trong những năm gần đây trong hoạt động quảng bá du lịch.

Voi nhà tham gia cày bừa làm ruộng nước. (Ảnh trưng bày của Bảo tàng Đắk Lắk)
Voi nhà tham gia cày bừa làm ruộng nước. (Ảnh trưng bày của Bảo tàng Đắk Lắk)

Tạp chí Xưa và Nay, cơ quan ngôn luận của Hội Lịch sử Việt Nam có trang chuyên đề về ảnh khá đặc sắc giới thiệu những bức ảnh tư liệu xưa và xuất bản, công bố nhiều công trình sách ảnh về Tây Nguyên. Các trang mạng xã hội như “Hình xưa bóng cũ”, trang facebook của các cá nhân đăng tải nhiều bộ sưu tập về voi với nhiều thông tin bổ ích. Hình ảnh văn hóa Tây Nguyên xưa nói chung, voi Tây Nguyên nói riêng cũng được các nhà sưu tầm và công bố trên các tạp chí, sách ảnh hay trưng bày ở bảo tàng. Bên cạnh ảnh bộ còn có khá nhiều ảnh đơn về voi Tây Nguyên được tìm thấy và công bố trong thời gian gần đây: những bức ảnh về Vua săn voi Khunjunop do Khăm Phết Lào lưu giữ trong bộ sưu tập ảnh của gia đình; nhiều ảnh tư liệu quý hiếm chụp voi Tây Nguyên được sưu tầm từ bưu ảnh cũ như bức ảnh con voi của bác sĩ Yesin, voi thồ chở bưu phẩm, thư báo... Bảo tàng Đắk Lắk cũng đang sở hữu nhiều bức ảnh voi rất thú vị và độc đáo do các nhân viên dày công sưu tầm và các nhà nhiếp ảnh cung cấp, tiêu biểu là các bức ảnh thể hiện hình ảnh voi cày ruộng, thuần dưỡng voi.

Voi chở hàng. Ảnh: Jean - Marie Duchange
Voi chở hàng. Ảnh: Jean - Marie Duchange

Bảo tàng các tỉnh Tây Nguyên may mắn được lưu giữ, trưng bày những ảnh tư liệu giá trị về trang phục, lễ hội, nhà cửa, vật dụng, đặc biệt là voi nhà... của đồng bào Tây Nguyên của thế hệ trước. Bên cạnh việc trưng bày thường xuyên, các bảo tàng nơi đây cần tích cực sưu tầm di sản ảnh voi Tây Nguyên ở nhiều nguồn khác nhau, mua những tác phẩm nghệ thuật của các nhà nhiếp ảnh từng đoạt giải cao trong các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế và lưu trữ file ảnh ở dạng “số hóa”. Những bức ảnh xưa về voi luôn gây hứng thú người xem vì nó ghi lại hình ảnh chân thực của mảnh đất Tây Nguyên một thời. Khi có đầy đủ cơ sở dữ liệu về voi Tây Nguyên thì đây sẽ là nguồn “tài nguyên” quý giá phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Trung tâm Bảo tồn voi Tây Nguyên rất cần có khu trưng bày hình ảnh, hiện vật về voi để kể lại câu chuyện bằng ảnh cho du khách tìm hiểu về loại động vật này. Các dịp festival, lễ hội Tây Nguyên cần có những cuộc trưng bày, triển lãm chuyên đề về voi, xuất bản các công trình biên khảo giới thiệu hình ảnh voi xưa và nay đến độc giả.

Hình ảnh tư liệu về văn hóa Tây Nguyên nói chung, voi Tây Nguyên nói riêng luôn có sức hấp dẫn với mọi người. Việc sưu tầm, xuất bản ảnh tư liệu về Tây Nguyên đang được quan tâm, phục vụ cho công tác bảo tồn và quảng bá du lịch.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.