Multimedia Đọc Báo in

Tôn trọng không gian xanh đô thị Buôn Ma Thuột (Kỳ 1)

09:05, 13/07/2019

Bất kỳ đô thị nào cũng đều lựa chọn cho mình một hệ sinh thái phù hợp để xây dựng và phát triển. Với Buôn Ma Thuột cũng không nằm ngoài tư duy ấy, việc lựa chọn này đã được xác định: Một đô thị văn hóa - sinh thái kết hợp với không gian mở cho công nghiệp, thương mại và dịch vụ đính kèm như động lực thúc đẩy bao trùm.

Kỳ 1:  Đã có “cây gậy” pháp lý

Kể từ khi Buôn Ma Thuột trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2010, vấn đề quy hoạch và phát triển cho thành phố được quan tâm đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, nhìn những gì diễn ra trên thực tế thì không khó để nhận ra có lúc, có nơi công tác quy hoạch, quản lý và giám sát xây dựng ở đô thị này còn gặp nhiều lúng túng, thậm chí bị buông lỏng, dẫn đến nhiều bất cập xảy ra. Nguyên nhân là do thiếu “cây gậy” pháp lý để chi phối, dẫn dắt mọi hoạt động trên lĩnh vực vốn nhạy cảm và phức tạp này.

Không gian xanh buôn làng trong phố.
Không gian xanh buôn làng trong phố.

Có thể nói đến năm 2015, sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số số 1194/QĐ-TTg, ngày 27-7-2014 phê duyệt Đồ án xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên vào năm 2025, thì “cây gậy” pháp lý bắt đầu phát huy hiệu lực, giúp chính quyền địa phương hướng dẫn và giám sát việc chỉnh trang, quy hoạch cũng như phát triển đô thị một cách hữu hiệu hơn. 

Theo Đồ án, trước hết đô thị Buôn Ma Thuột phải có hạ tầng giao thông, kỹ thuật và xã hội kết nối toàn vùng Tây Nguyên, trong đó cần tập trung ưu tiên xây dựng và quy tụ các đầu mối giao thông theo quy hoạch cấp vùng. Hệ thống giao thông và khung hạ tầng kỹ thuật này nhằm tạo điều kiện thu hút dự án đầu tư cho các khu đô thị mới với điểm nhấn là những trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế đóng vai trò kích cầu cho 5 tỉnh trong khu vực.

Thứ đến là khai thác hiệu quả lợi thế cảnh quan thiên nhiên, văn hóa - sinh thái để tạo nên bản sắc riêng cho thành phố. Yếu tố này dựa trên điều kiện tự nhiên bao gồm vùng sinh thái rừng kết hợp việc khai thác không gian xanh từ các vùng cây công nghiệp hiện có theo hướng tập trung vào những dự án trọng điểm như khu vực Suối Xanh (phường Thắng Lợi), hồ Ea Nao (xã Ea Tu) và hồ Ea Kao (xã Ea Kao). Cuối cùng, đô thị Buôn Ma Thuột phải mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên là đề cao giá trị, đặc trưng văn hóa của cộng đồng người tại chỗ.

Một góc TP. Buôn Ma Thuột hiện nay.   Ảnh: H.Hùng
Một góc TP. Buôn Ma Thuột hiện nay. Ảnh: H.Hùng
 

“Phát triển đô thị Buôn Ma Thuột phải hướng tới những giá trị tương thích, phù hợp với đặc thù địa lý, nhân văn và lịch sử - văn hóa của vùng đất này. Một khi các tiêu chí ấy được quan tâm và tôn trọng thì bức tranh tổng thể đô thị này sẽ sáng rõ lên với những gam màu rất riêng và độc đáo”.

 
KTS Hoàng Đạo Kính (tham luận tại Hội thảo “Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị Buôn Ma Thuột”, tháng 6-2017)

Nói như Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng: Đến nay chúng ta đã nhận diện được gương mặt và hình hài của đô thị này, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện sao cho đồng bộ và thống nhất từ các cấp chính quyền đến các ban, ngành liên quan. Từ năm 2016, chính quyền thành phố đã có nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh và kiên quyết xử lý vấn nạn xây dựng công trình nhà ở cũng như cơ quan, công sở Nhà nước theo kiểu “mạnh ai nấy làm” đã từng tồn tại và kéo dài trong thời gian qua. Theo đó, vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch cũng được các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm thể hiện ý chí và quyết tâm xây dựng, phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Văn Hưng, chính quyền địa phương cùng các sở, ngành liên quan đã xác định quy mô đất đai để phục vụ cho việc xây dựng đô thị, nhất là các khu đô thị mới sẽ được quy hoạch đúng với tiêu chí đô thị loại I cấp vùng. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến quỹ đất dành cho xây dựng, phát triển giao thông và các công trình hạ tầng khác luôn chiếm tỷ lệ 12% trở lên. Tức là dựa trên cấu trúc đô thị Buôn Ma Thuột được quy hoạch đến năm 2025, vùng phát triển đô thị hiện hữu và các khu đô thị mới có tổng diện tích khoảng 11.000 ha; cùng với đó là vành đai xanh bao quanh thành phố được kiến tạo bởi vùng chuyên canh cây nông nghiệp công nghệ cao, vùng tái tạo và trồng mới rừng, các công - lâm viên cũng như các khu du lịch sinh thái cận kề với diện tích hơn 26.800 ha, thì phải bố trí khoảng 1.200 ha cho việc kiến thiết hạ tầng, nhất là không gian xanh cho vùng đô thị hiện hữu và vùng đô thị mới tại các phường Tân An, Tân Lập, Tân Lợi, Thành Nhất, Tự An và Ea Tam.

Không gian xanh ở đây được kiến tạo dựa trên điều kiện tự nhiên (mặt nước và rừng) hiện hữu. Trong quy hoạch cũng như quản lý quy hoạch, xây dựng tại các vùng đô thị mới nhất thiết phải tôn trọng, vận dụng có hiệu quả những yếu tố này nhằm tạo ra bản sắc cho đô thị Buôn Ma Thuột.

                                                                                (Còn nữa)

Đình Đối

Kỳ 2: Thực trạng không gian xanh Buôn Ma Thuột

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.