Multimedia Đọc Báo in

Hoa Xuân miền rẻo cao

15:40, 21/01/2020

Miền núi phía Bắc là xứ sở của các loài hoa như hoa ban, hoa đào, hoa lê, hoa mận, hoa cải. Nhiều loài hoa nở đúng vào dịp Tết, tạo nên cảnh sắc mùa xuân tươi đẹp. Từ Lào Cai đến Hà Giang, những sườn đồi, bản làng, vực khe, góc phố, nơi đâu cũng rạo rực sắc hoa. 

Hoa xuân là món quà vô giá của thiên nhiên tặng cho bản làng, con người vùng cao. Đồng bào các dân tộc Hmông, Dao, Hà Nhì, Lô Lô... cư trú trong những ngôi nhà đất trình tường hoặc tường đá, mái ngói âm dương, có hàng rào đá bao quanh. Cảnh quan thiên nhiên cùng với lối kiến trúc nhà cửa, trang phục, ẩm thực, lễ hội, nghệ thuật trang trí... làm nên bức tranh mùa xuân độc đáo ở miền rẻo cao.

Những nhánh hoa đào mãn khai.
Những nhánh hoa đào mãn khai.

Nhờ hợp thổ nhưỡng, sương lạnh vùng núi cao nên hoa đào, hoa lê, hoa cải ở đây dường như luôn đượm sắc tươi màu và tràn đầy sức sống. Vào mùa xuân, hoa đào, hoa lê, hoa mận điểm xuyết, làm cho cảnh sắc càng tươi đẹp. Màu xám của hàng rào đá, màu đen của mái ngói âm dương, màu nâu vàng của bức tường đất, những nếp nhà nhỏ thấp gối vào dải núi xanh mờ, tất cả tạo nên bức tranh đặc sắc của thiên nhiên, bản làng. 

Hoa xuân khoe sắc trước sân nhà.
Hoa xuân khoe sắc trước sân nhà.

Hoa đào được xem là nàng công chúa đẹp nhất của mùa xuân, dệt nên bức tranh xuân thơ mộng của non ngàn. Những nhánh mảnh mai, yểu điệu nhưng hào phóng cho đời màu hoa tươi rực rỡ. Trên khắp các sườn đồi, bản làng, vực khe, góc phố nơi đâu cũng hồng thắm sắc đào. Mỗi cây đào như có muôn cánh bướm hồng rung rinh trong gió. Bên cạnh hoa đào, hoa lê cũng mượt mà khoe sắc thắm giữa ngày xuân. Hoa lê có nét đẹp hoang sơ, những gốc cây già sần sùi, cành cây khẳng khiu, có nhiều rêu, mốc, địa y. Bông hoa trắng muốt như tuyết, thắp sáng lung linh cả góc nhà, sân vườn. Hoa cải nở như trải thảm khắp đồi nương với đủ sắc màu trắng, vàng, đỏ, tím. Mặc dù canh tác trên núi đá tai mèo nhưng cây cải ở đây vẫn tốt tươi. Cây cải vươn cao lút đầu em bé thì bắt đầu ra hoa, ra ngồng. Đồng bào mang gùi ra đồng thu hái ngồng cải về làm rau và làm thức ăn cho gia súc. Sau khi dâng tặng cho đời sắc đẹp tuyệt mỹ, hoa cải kết trái tua tủa trên cành, đợi đến già thì hái về làm hạt giống cho mùa sau.

Cô gái Hmông giữa nương cải trổ bông.
Cô gái Hmông giữa nương cải trổ bông.

Mùa hoa đào, hoa lê, hoa cải nở rộ cũng là mùa lễ hội, du xuân. Các cô gái Hmông thường diện bộ váy mới và đẹp nhất của mình đi hội và đi chợ phiên. Lễ hội xuống đồng của đồng bào miền núi phía Bắc được tổ chức vào đầu năm.

Đồng bào tổ chức lễ hội để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người sức khỏe, nhà nhà no ấm. Trước khi tiến hành lễ hội là nghi thức dựng cây nêu (để ném còn), sau đó là rước và dâng lễ vật cúng thần nông, thần núi, thần suối... Các cô gái khéo tay chuẩn bị những quả còn với nhiều múi vải màu xanh đỏ sặc sỡ được ghép nối lại với nhau. Bên trong quả còn họ nhồi vải vụn, thóc, hạt vừng, hạt cải, hạt của cây bông thể hiện khát vọng sinh sôi nảy nở, thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải.

Ngoài ra còn có nhiều trò chơi khác như đua ngựa, bắn nỏ, kéo co, múa khèn, múa ô, múa sư tử, hát đối đáp, đánh quay... Các chàng trai vừa thổi khèn vừa làm các động tác múa thể hiện sự khéo léo, tài năng của mình. Các cô gái múa theo điệu khèn, chiếc ô quay tít theo nhịp điệu, hòa hợp với màu sắc của trang phục.

Những chiếc váy đủ sắc màu của các cô gái trẻ càng làm cho bức tranh xuân vùng cao càng thêm rạo rực, xao xuyến. Trẻ em vùng cao hai má ửng hồng, mặc áo ấm vui chơi, chạy nhảy bên cánh đồng cải đang trổ hoa. Chúng tha hồ hái những bông cải nhỏ xíu kết thành chùm hoa để cùng nhau ngắm nghía.

Theo mẹ lên nương cải.
Theo mẹ lên nương cải.

Những chủ nhân sinh sống trên vùng núi cao, cao nguyên đá đầy khắc nghiệt nhưng vẫn tràn đầy sức sống. Với tâm hồn lãng mạn, phóng khoáng họ biết chăm chút, tạo nên những vườn hoa đào, hoa lê, hoa cải điểm tô sắc xuân trên miền dốc đá tai mèo và tổ chức Lễ hội hoa đào để người dân, du khách được vui chơi, khám phá nét đẹp thiên nhiên, văn hóa vùng rẻo cao…

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.