Vòng xoay đời gốm M'nông
Trải qua một thời phát triển hưng thịnh gắn liền với đời sống sản xuất sinh hoạt của người dân hàng trăm năm nay, làng gốm M’nông dưới chân núi Cư Yang Sin, huyện Lắk giờ đây đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền…
Người dân ở buôn Yok Đuôn, xã Yang Tao, huyện Lắk không biết nghề gốm nơi đây có từ khi nào, chỉ biết rằng từ xa xưa lắm, hầu hết các gia đình xung quanh buôn làng mình đều gắn bó với nghề nhào nặn đất sét này. Cứ thế, đời này truyền lại cho đời sau với những “bí quyết” tạo nên nét đặc sắc riêng của nghề gốm nơi đây mà không nơi nào có được…
Để làm ra sản phẩm, các nghệ nhân ở Yok Đuôn phải vất vả đi bộ xuyên qua những cánh đồng ở chân núi Chư Yang Sin để lấy đất sét cách buôn chừng 6 km. Đất sét mang về được trộn với nước rồi dùng chày giã thật nhuyễn, loại bỏ các hạt cát, sạn, đến độ dẻo nhất định thì mới bắt đầu chế tác.
Giã đất - một trong công đoạn làm gốm của người M’nông. |
Công đoạn tạo hình cho gốm hoàn toàn bằng tay. Người làm vừa đi vòng tròn xung quanh, vừa sử dụng các dụng cụ thô sơ như thanh tre vót mỏng, vòng tre, mảnh vải ướt... để tạo hình cho sản phẩm. Sau bước tạo hình, chờ cho sản phẩm khô dần, nghệ nhân bắt đầu vẽ hoa văn bằng những que tre, que củi hoặc lông nhím. Hoa văn gốm M’nông cũng rất đơn giản, có thể là những vòng tròn xung quanh, hoặc là các đường hình học đơn giản… Tiếp theo đó là bước đánh bóng. Nghệ nhân dùng hòn sỏi thật bóng chà xát liên tục lên bề mặt của sản phẩm để tạo độ bóng và láng, việc này mất khá nhiều thời gian và yêu cầu người thợ phải tỉ mẩn, kiên trì. Sau đó sản phẩm được phơi khô hoàn toàn trong mát trước khi nung.
Quy trình nung gốm cũng khá đặc biệt. Sản phẩm được đặt trên nền đất trống, bên dưới có lót củi khô. Những vật nhỏ xếp ở giữa, các vật lớn hơn xếp xung quanh. Lửa cháy đến đâu màu đất sét đỏ rực lên đến đó. Gốm sau khi nung chín, đang còn nóng sẽ được vùi ngay vào vỏ trấu. Vỏ trấu cháy tạo khói, và khói này ám vào gốm tạo thành màu đen đặc trưng. Đây được xem là quy trình “tráng men” đặc biệt chỉ có ở gốm M’nông, tạo nên sự khác biệt so với các dòng gốm khác.
Chủ tịch UBND xã Yang Tao Y Thiêm Kuan
|
Gần 60 tuổi đời, bà H’Lưm Uông ở buôn Yok Đuôn đã có 45 năm gắn bó với nghề làm gốm. Bà không nhớ nổi đôi bàn tay khéo léo của mình đã làm ra được bao nhiêu sản phẩm gốm có mặt khắp buôn xa làng gần ở Tây Nguyên. Với niềm tự hào, bà bảo: “Ngày còn nhỏ, mình theo ông bà đi khắp các vùng ở Tây Nguyên để trao đổi các vật dụng, chủ yếu là các đồ dùng phục vụ cho đời sống sinh hoạt như: nồi nấu cơm, canh, chén, bát ăn cơm. Các vật phẩm trao đổi có khi là thực phẩm, có khi là các vật dụng do người dân các buôn khác làm như gùi, chổi, chiếu cói… Là nghề truyền thống nên thời đó, gần như trong buôn ai cũng biết làm gốm, bản thân mình 15 tuổi đã làm gốm thành thạo…”.
Là thế hệ kế cận của bà H’Lưm Uông, chị H’Huyên Bhôk (SN 1975) cũng là người có niềm đam mê đặc biệt với gốm truyền thống. Hơn 40 tuổi đời, chị cũng đã có 30 năm “xoay gốm”. Thế hệ của chị gần như là thế hệ kế cận nghề truyền thống này cuối cùng ở buôn Yok Đuôn nên vấn đề bảo tồn, gìn giữ nghề làm gốm nơi đây cũng là điều mà chị luôn trăn trở. “Trong buôn giờ chỉ còn 3 người biết làm gốm. Bọn trẻ giờ gần như không đứa nào chịu học nghề của ông bà. Nguyên nhân cũng là do đời sống phát triển, bếp củi cũng dần được thay thế bằng bếp gas, bếp điện… Vì vậy người dân cũng không còn mặn mà với sản phẩm từ gốm…”- chị H’Huyên ngậm ngùi.
Niềm vui của chị H’Huyên và bà H’Lưm Uông khi giới thiệu về nghề truyền thống của dân tộc mình. |
Nỗi niềm của H’Huyên cũng là trăn trở của chính quyền địa phương nơi đây. Chủ tịch UBND xã Yang Tao Y Thiêm Kuan tha thiết: “Chúng tôi muốn khôi phục làng nghề làm gốm, nhưng quan trọng vẫn là “đầu ra” cho sản phẩm. Tuy nhiên, xã thì lại không có điều kiện để xúc tiến thương mại, quảng bá rộng rãi sản phẩm. Mong rằng các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ kết nối, đặt hàng sản phẩm cũng như đưa nghề gốm ở Yang Tao vào chương trình phát triển làng nghề để hỗ trợ bà con tiếp tục duy trì nghề truyền thống của mình”.
Tuệ Anh
Ý kiến bạn đọc