Thông điệp bảo vệ môi trường trong các tác phẩm hội họa
Tây Nguyên đại ngàn nổi tiếng với những khu rừng xanh bạt ngàn, thơ mộng, thế nhưng ngày nay đã bị thu hẹp dần bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Muốn truyền tải thông điệp bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, môi trường đến với công chúng, nhiều họa sĩ đã thể hiện qua các tác phẩm nghệ thuật hội họa.
Họa sĩ Trần Thanh Long (Chi hội Trưởng Chi hội Mỹ thuật - Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk) là một trong những nghệ sĩ có nhiều sáng tác về môi trường, rừng, đời sống con người… Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Anh cho biết: “Người nghệ sĩ hay đi tìm những điều mới mẻ, bám vào những thông tin cần thiết trong đời sống, đất nước, con người để sáng tác, vì vậy thường sẽ có những dự cảm về tương lai, qua đó sáng tác và lưu giữ được một phần ký ức”. Các tác phẩm hội họa của anh thể hiện những câu chuyện về môi trường một cách khá rõ nét.
Bức tranh "Đam San của mẹ" của họa sĩ Trần Thanh Long. |
Đơn cử như bức tranh “Đam San của mẹ”, hiện lên cảnh buôn làng thanh bình, rợp bóng cây, ánh nắng và sự xôn xao của cây lá, bước chân nhẹ tênh và tình yêu của những người mẹ dành cho các con. Họ mong muốn một cuộc sống êm ả, các con được nuôi dạy thật tốt và trở thành người có ích như chàng trai Đam San trong sử thi của người Êđê. Từ bức tranh, họa sĩ gửi đến thông điệp về vẻ đẹp của thiên nhiên Đắk Lắk nếu không bảo vệ thì ngày sau sẽ không còn. Tất cả những điều anh vẽ nên là những trăn trở về sự biến đổi môi trường. Để hiện thực điều đó, hiện nay, họa sĩ Thanh Long đang tiếp tục sáng tác một chuỗi những bức tranh về đời sống của người Tây Nguyên mang tên “Bên dòng Sêrêpốk”, trong đó có những bức tranh về môi trường, về sông nước hay cây cối...
Những tác phẩm của họa sĩ Hồ Hậu (hội viên Chi hội Mỹ thuật - Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk) cũng thể hiện sinh động, sâu sắc tình yêu thiên nhiên, yêu rừng. Điển hình như tác phẩm “Giấc mơ màu xanh” đã đoạt giải Khuyến khích tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực V – Nam miền Trung và Tây Nguyên 2019.
Trong ý niệm của họa sĩ Hồ Hậu, mọi thứ đẹp đẽ của nền văn hóa Tây Nguyên đều bắt đầu từ rừng. Rừng cho gỗ làm nhà sàn, làm cối giã gạo, làm trống, làm ghế Kpan, cho măng cho tre; mọi thứ chiêng, ché, màu nhuộm, dao rìu... đều được trao đổi bởi sản vật rừng. Rừng thật sự hào phóng, bao dung. Nhưng ngày nay, rừng ngày càng nghèo nàn bởi sự khai thác cơ giới bừa bãi. Con người bị tách khỏi rừng, trở nên trơ trọi, đơn độc và rừng chỉ còn trong dĩ vãng, chỉ còn hiện về trong “giấc mơ màu xanh”. Hình tượng cô gái Tây Nguyên trong tác phẩm với áo thổ cẩm phong cách hiện đại, mang tính ẩn dụ cho sự thích nghi và thay đổi của người dân. Họ bước ra từ khu rừng, hòa nhập với môi trường mới nhưng vẫn đau đáu giấc mơ nguồn cội, mong muốn được trở về sống dưới mái nhà đại ngàn của cha ông ngày xưa… Từ ý nghĩa của bức tranh, họa sĩ Hồ Hậu đã làm cầu nối, chuyển tải đến người xem thông điệp về một cuộc sống trong lành trên trái đất. Ðây còn là những lời cảnh báo bằng ngôn ngữ nghệ thuật về nguy cơ mất rừng, nhắn nhủ con người cần phải hành động trước khi quá muộn.
Họa sĩ Hồ Hậu (bên trái) bên tác phẩm "Giấc mơ màu xanh" tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực V – Nam miền Trung và Tây Nguyên 2019. |
Không chỉ họa sĩ Thanh Long, Hồ Hậu mà có rất nhiều văn nghệ sĩ thông qua các tác phẩm nghệ thuật đã tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng… Đây là một cách tuyên truyền khá hữu hiệu, góp phần làm cho tiếng nói bảo vệ môi trường trở nên mạnh mẽ hơn hơn nhờ hình thức thể hiện, ngôn ngữ đa dạng, sinh động… đưa thông điệp đến được với nhiều tầng lớp, lứa tuổi.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc