Giữ nhịp chiêng ngân
Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cồng chiêng, ngoài sự truyền thụ của những nghệ nhân lớn tuổi còn cần sự đón nhận của thế hệ trẻ và sự quan tâm của cơ quan chức năng.
Bảo tồn từ cơ sở
Mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ là một trong những giải pháp hiệu quả mà ngành chức năng quan tâm triển khai thực hiện, xem đây là nhiệm vụ then chốt để giữ nhịp chiêng ngân mãi trong các buôn làng.
Trong lớp truyền dạy chiêng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Búk mở mới đây, nhiều học viên là học sinh, thanh thiếu niên, người dân có độ tuổi từ 18- 35 tại các buôn Tlan (xã Cư Pơng) và buôn Drăh (xã Cư Né) đã theo học rất chăm chỉ. Với sự truyền dạy tận tình của các nghệ nhân, học viên đã nắm bắt một số kiến thức cơ bản về cồng chiêng (chiêng tre và chiêng đồng) và biết diễn tấu các bài chiêng cơ bản như: Cúng tổ tiên, mừng thọ, sum vầy, đón khách…
Đội chiêng xã Cư Pơng (huyện Krông Búk). |
Nghệ nhân Y Môi Mlô (xã Cư Né), người trực tiếp đứng lớp chia sẻ: “Tôi dạy đánh chiêng cho các cháu từ năm 2017 đến nay. Quả thật, học để đánh được chiêng đúng nhịp, đúng bài rất là khó. Tôi chỉ dạy thông qua truyền miệng chứ không có sách vở nào hết, nhưng vì muốn cái hồn văn hóa của dân tộc được lưu truyền nên luôn cố gắng hết sức. Rất may mắn là các em rất siêng năng học hỏi, kiên trì theo học chứ không nản chí bỏ cuộc”.
Krông Búk là một trong những huyện chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức được 10 lớp dạy đánh chiêng với 273 học viên, qua đó đã thành lập được đội chiêng trẻ của địa phương, tiêu biểu như 2 đội chiêng trẻ của xã Cư Né, buôn Tlan (xã Cư Pơng) thường xuyên sinh hoạt vào các tối thứ bảy tại nhà văn hóa cộng đồng. Hiện trên địa bàn huyện còn 192 bộ chiêng, 12 nghệ nhân biết chỉnh chiêng, 31 nghệ nhân biết truyền dạy đánh chiêng và hơn 300 người biết diễn tấu cồng chiêng.
Tiếp tục nâng cao kỹ năng
Không chỉ dừng lại ở việc dạy kiến thức cơ bản, các lớp học còn hướng tới nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, đặc biệt là kỹ năng diễn tấu cho những người đã biết đánh chiêng. Đơn cử như lớp tập huấn “Xây dựng chương trình lễ hội và truyền dạy đánh chiêng, nhạc cụ dân tộc năm 2020” diễn ra tại Trung tâm Văn hóa tỉnh vừa qua có hơn 40 học viên là cán bộ văn hóa hoạt động tại cơ sở, đơn vị và cả các nghệ nhân đến từ các đội cồng chiêng ở các buôn làng tham gia.
Năm 2020, Sở VHTT&DL đã tổ chức được 4 lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ tại huyện Krông Búk và huyện Lắk với 80 học viên theo học. |
Ở nội dung “Truyền dạy đánh chiêng, nhạc cụ dân tộc” các học viên được chia thành nhóm cơ bản và nhóm học nâng cao. Ở nhóm cơ bản, các học viên được làm quen với chiêng Knah, nhạc cụ bộ hơi, bộ dây và tập nhuần nhuyễn các bài chiêng như “Tiếng chiêng Drông Yang”, “Tiếng Brỗ đêm trăng”. Nhiều học viên lần đầu tiên được học đã cảm thấy thích thú với các loại nhạc cụ. Còn nhóm nhạc cụ nâng cao dành cho những học viên đã có kiến thức sơ cấp về cồng chiêng và nhạc cụ, nhiều người đã từng học các khóa trước, lần này được tập những bài khó hơn, kỹ thuật nâng cao hơn. Các học viên tuy đến từ nhiều đơn vị và tuổi đời khác nhau nhưng ai cũng muốn có một nền tảng cơ bản để có thể làm công tác bảo tồn thật tốt. Anh Y Thim Byă, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Ana cho hay, là một cán bộ văn hóa lại có kiến thức cơ bản về chiêng, nhạc cụ dân tộc thì việc học nâng cao là cần thiết, không chỉ giúp làm tốt công việc mà còn phục vụ công tác bảo tồn, truyền dạy chiêng cho các em thiếu nhi.
Các học viên lớp tập huấn “Xây dựng chương trình lễ hội và truyền dạy đánh chiêng, nhạc cụ dân tộc năm 2020” biểu diễn chiêng. |
Theo Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, việc tổ chức và duy trì những lớp tập huấn như trên là một việc làm thiết thực và ý nghĩa. Nhiều học viên sau khi tham gia khóa học đã phát huy rất tốt ở cơ sở, có người trở thành người phụ trách các lớp truyền dạy cồng chiêng. Những thành công qua các kỳ tổ chức cho thấy lớp tập huấn cũng đã đạt được những mục đích như: góp phần khôi phục, gìn giữ, bảo tồn và phát huy có hiệu quả di sản không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk; phát triển văn hóa - du lịch trong thời kỳ hội nhập; giúp các cán bộ phong trào ở cơ sở nắm vững cách xây dựng chương trình, tổ chức các lễ hội; phương pháp, kỹ năng truyền dạy, diễn tấu cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc