Multimedia Đọc Báo in

Cổ kính đền thờ vua Lê Đại Hành

16:16, 07/11/2020

Lê Đại Hành (10-8-941 – 18-4-1005), tên húy là Lê Hoàn, là vị vua sáng lập nhà Tiền Lê với quốc hiệu Đại Cồ Việt, trị vì từ năm 980 - 1005.

Ghi nhớ công ơn to lớn của ông đánh tan quân Tống, lập nhà Tiền Lê, hậu thế đã xây dựng nhiều đền thờ tôn kính. Hiện các nhà nghiên cứu đã thống kê được hơn 48 nơi thờ vua Lê Đại Hành (có 16 nơi thờ riêng, 5 nơi chung). Trong đó, đền thờ chính của ông tọa lạc tại quần thể cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.

Đền vua Lê ở Hoa Lư có quy mô nhỏ hơn đền vua Đinh (cách 300 m), được xây theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Trước mặt đền là khu quảng trường trung tâm cố đô Hoa Lư và núi Ðèn nằm bên sông Sào Khê, sau đền là hào nước bảo vệ cố đô chạy dưới chân núi Ðìa.

Lối vào sân rồng đền vua Lê Đại Hành.  Ảnh: T.Học
Lối vào sân rồng đền vua Lê Đại Hành. 

Qua Nghi môn ngoại (cửa ngoài) theo đường chính đạo lát gạch, phía bên trái là một hòn non bộ lớn, cao 3 m, tượng hình chim phượng múa, mỏ quay vào đền, hai cánh như đang bay. Bên phải là nhà Tiền bái, ở mặt tiền có hòn non bộ "Hổ phục" gồm gốc cây duối thân to có 9 núi, tuổi thọ trên 300 năm. Bên trái nhà Tiền bái có hòn non bộ có dáng "voi quỳ" được khắc hai chữ Hán "Bất di". Qua Nghi môn nội (cửa trong) cũng ba gian, theo chính đạo kiến trúc đăng đối là hai vườn hoa, tiếp đó là hai dãy nhà vọng. Ở giữa vườn hoa bên phải có hai non bộ "Phượng ấp", bên trái là hòn non bộ "Long Mã". Ở sân rồng gần gian giữa của Bái đường có long sàng bằng đá.

Ðền thờ có ba tòa: tòa ngoài là Bái đường, tòa giữa là Thiêu hương thờ Phạm Cự Lượng, người có công với vua Lê Ðại Hành và Chính cung. Tòa Chính cung thờ Lê Hoàn ngồi hướng về phía trước, bên phải là Lê Long Đĩnh quay về hướng bắc, bên trái là hoàng hậu Dương Vân Nga quay hướng nam về phía đền vua Đinh. Gian bên trái chính cung thờ công chúa Lê Thị Phất Ngân, con gái vua Lê và hoàng hậu Dương Vân Nga, đồng thời là vợ của vua Lý Thái Tổ sau này. Hoàng hậu Lê Thị Phất Ngân là người sinh ra vua Lý Thái Tông vào năm 1000. Sau khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, bà thường về chùa Duyên Ninh để trông coi lăng mộ vua cha và tác hợp cho nhiều đôi trai gái thành duyên.

Nét độc đáo ở đền thờ vua Lê Đại Hành là nghệ thuật chạm gỗ thế kỷ 17 đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. Tương truyền, bà mẹ mơ thấy hoa sen mà sinh ra Lê Hoàn trong lúc đi cấy ở cạnh ao sen. Bà đã ủ Lê Hoàn trong khóm trúc và được con hổ chúa rừng xanh ấp ủ. Sau lời cầu xin của bà mẹ, con hổ bỏ đi. Sau này lớn lên Lê Hoàn đã lập ra nghiệp lớn "Phá Tống, bình Chiêm" lừng lẫy. Vì vậy mà nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian Việt Nam của các nghệ nhân ở đây cũng thống nhất với truyền thuyết về các đề tài ca ngợi Lê Hoàn.

Trần Thái Học


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.