Multimedia Đọc Báo in

Chính quyền địa phương hai cấp: Dựa vào chuyển đổi số để phát triển

08:23, 23/07/2025

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI) đang diễn ra mạnh mẽ, tỉnh Đắk Lắk xác định: “Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phải trở thành động lực chính, là “chìa khóa vàng” để tạo ra giá trị mới và thúc đẩy sự phát triển, nâng tầm kinh tế tỉnh nhà".

Tiên phong ứng dụng nền tảng AI

Ngày 10/7 vừa qua, Đắk Lắk là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước công bố, đưa vào vận hành thí điểm 4 nền tảng AI phục vụ chính quyền địa phương hai cấp, gồm: AI về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp; AI về phục vụ người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính công; Hệ thống báo cáo hai cấp; hệ thống giám sát, điều hành hai cấp tại các phường Tân Lập, Tân An và Ea Kao. Đây là bước đi nhanh, quyết liệt, chủ động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của tỉnh trong tiến trình chuyển đổi số ( CĐS) với phương châm 5 thật: “Nghĩ thật - nói thật - làm thật - hiệu quả thật - người dân được thụ hưởng thật".

Tại phường Tân Lập, việc ứng dụng AI vào hoạt động quản lý, điều hành đã rút ngắn đáng kể thời gian xử lý công việc, các bước thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) được hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu, tạo thuận tiện cho người dân. Hệ thống báo cáo hai cấp và Hệ thống giám sát, điều hành hai cấp hoạt động hiệu quả.

Ông Trần Đức Nhật, Chủ tịch UBND phường Tân Lập nhìn nhận, các ứng dụng số bước đầu phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành. Việc trao đổi thông tin giữa cấp tỉnh và phường nhanh chóng, kịp thời qua nhóm Zalo chỉ đạo – điều hành. Cán bộ xử lý công việc chủ động hơn nhờ ứng dụng AI tra cứu quy định phân quyền, phân cấp; người dân dễ dàng tiếp cận TTHC công, không mất nhiều thời gian đi lại như trước. Hệ thống báo cáo và giám sát giúp lãnh đạo nắm bắt tiến độ công việc theo thời gian thực, phát hiện kịp thời điểm nghẽn để điều chỉnh. Địa phương sẽ tiếp tục phối hợp thường xuyên với các đơn vị viễn thông để được hỗ trợ kỹ thuật, mỗi phản ánh đều được tiếp thu, cập nhật kịp thời.

Ông Đỗ Hữu Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy (bìa trái) kiểm tra việc ứng dụng chuyển đổi số tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tân Lập.

Phường Tân An cũng đang nỗ lực triển khai 4 nền tảng AI nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hành chính và phục vụ người dân tốt hơn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương hai cấp.

 

"Trong thời đại số, không có con đường nào khác ngoài đổi mới. Chúng ta không làm để làm, không làm để báo cáo, mà làm để thay đổi thực chất cuộc sống của người dân, để nâng cao hiệu quả kinh tế, để Đắk Lắk thực sự cất cánh” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung.

Trong số các ứng dụng thí điểm, AI về phục vụ người dân và doanh nghiệp thực hiện TTHC công nhận được sự quan tâm lớn từ người dân. Ông Phan Đức Cường, người dân phường Tân An cho hay: “Trước đây, khi làm thủ tục gì, tôi phải đến tận nơi, gặp trực tiếp cán bộ phường để được hướng dẫn, giờ có ứng dụng AI, chỉ cần điện thoại thông minh kết nối Internet là có thể tra cứu để biết cần làm những thủ tục nào, loại giấy tờ gì, nộp ở đâu… rất tiện ích, tiết kiệm thời gian”.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tân An cho hay, trong thời gian người dân chờ đợi giải quyết TTHC hoặc nhận kết quả, tổ hỗ trợ triển khai CĐS của phường tích cực giới thiệu ứng dụng này; và phần lớn người dân bày tỏ sự quan tâm, đồng ý trải nghiệm. Phường cũng đang tập trung tuyên truyền về các ứng dụng Đắk Lắk trực tuyến, khuyến khích người dân sử dụng trên nền tảng Zalo. Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, buôn, tổ dân phố tích cực tuyên truyền về lợi ích và hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng số.

Kiến tạo chính quyền hai cấp hiện đại, gần dân

Tỉnh Đắk Lắk xác định CĐS không chỉ là công cụ điều hành mà còn là điều kiện tiên quyết để xây dựng chính quyền tinh gọn, gần dân, sát dân, phục vụ người dân hiệu quả với tinh thần "Làm đến đâu chắc đến đó”. Việc triển khai các ứng dụng số phục vụ chính quyền địa phương hai cấp của tỉnh không chỉ đánh dấu bước tiến mới trong quá trình CĐS của tỉnh mà còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc xây dựng một nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch và phục vụ hiệu quả hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Cán bộ phường Tân An hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng trí tuệ nhân tạo để thực hiện các giao dịch hành chính.

Với quyết tâm "Đổi mới là sự sống còn", tỉnh cam kết đồng hành, hỗ trợ tối đa về nguồn lực và chính sách cho các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện. Đồng chí Đỗ Hữu Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS tỉnh khẳng định: “CĐS là quá trình dài hơi, không thể một sớm một chiều. Chúng tôi xác định phải đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, đồng bộ hạ tầng, liên thông dữ liệu, thường xuyên cập nhật, cải tiến hệ thống. Lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt, có cơ chế phối hợp với doanh nghiệp công nghệ để duy trì, bảo trì và nâng cấp, xây dựng mới nhiều nền tảng số để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp  tốt hơn; lắng nghe phản hồi từ cơ sở để điều chỉnh phù hợp. Quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy, coi người dân là trung tâm phục vụ, như vậy CĐS mới đi vào thực chất, bền vững”.

Sau ngày 15/7, nền tảng trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng số được triển khai rộng rãi đến 100% xã, phường của tỉnh. Đây sẽ là nền tảng tạo ra sự thay đổi căn bản và toàn diện trong cách thức chỉ đạo, điều hành và quản lý của cấp ủy, chính quyền, hướng đến nền hành chính thông minh. Quá trình triển khai, bước đầu sẽ có một số khó khăn, vướng mắc nhưng các địa phương trong tỉnh quyết tâm tập trung tạo đột phá trong cải cách hành chính và CĐS, đẩy mạnh kết nối dữ liệu, bảo đảm người dân có thể tiếp cận các nền tảng, ứng dụng số một cách thuận lợi, tiện ích.

Đỗ Lan

(Video) Bác sĩ của ... voi
Ở Đắk Lắk, có những bác sĩ không làm việc trong bệnh viện mà gắn bó với rừng, với buôn làng để chăm sóc những “bệnh nhân” khổng lồ là những con voi nhà. Công việc của họ thầm lặng nhưng đầy gian nan, góp phần bảo vệ một loài vật quý đang đứng bên bờ tuyệt chủng.