Multimedia Đọc Báo in

Trị tận gốc của tham nhũng

06:31, 01/05/2023

Ngay những trang mở đầu của tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!

Tính tất yếu, không thể đảo ngược đã được minh chứng, lý giải bằng lập luận sắc bén với những phân tích, chỉ rõ để nhận diện và nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện hơn về nội hàm, về cái gốc của phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.

Nhận diện gốc của tham nhũng

So với tham nhũng thì tiêu cực có nghĩa rộng hơn, do đó phải xác định phạm vi của tiêu cực mà chúng ta cần tập trung phòng, chống là những hành vi có liên quan đến tham nhũng. Đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ mà nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc của tham nhũng.

Tiền bạc, tài sản có thể thu hồi được nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả. Vì vậy phòng, chống tiêu cực mà trọng tâm là phòng, chống tham nhũng sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng. Vì vậy phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức mới có thể phòng, chống từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc tình trạng tham nhũng. Ngày 30/10/2016, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Theo đó, Trung ương chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc ba nhóm: tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII được xem là một trong những phương thức đấu tranh với "giặc nội xâm" trong mỗi cán bộ, đảng viên.

Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: dangcongsan.vn

Nhận thức sâu sắc, toàn diện

Từ nhận diện tận gốc của tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng Bí thư đã có cái nhìn xuyên suốt, có tính hệ thống, chỉ rõ sự phát triển trong nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.

Trước hết về vị trí, ý nghĩa, những năm đầu đổi mới, Đảng ta xác định “đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng của toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay”. Qua 20 năm đổi mới, Đảng ta nhận thức đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, làm trong sạch đội ngũ đảng viên là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thời đề ra yêu cầu phải chống tham nhũng với chống lãng phí. Sau 35 năm đổi mới, Đảng nhận rõ đây là “một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Thứ hai về phạm vi, trước đây chống tham nhũng, lãng phí chủ yếu chỉ tập trung vào các hành vi: tham ô, chiếm đoạt, nhận hối lộ, đưa hối lộ, làm thất thoát tài sản nhà nước. Nay không chỉ trong khu vực nhà nước mà còn mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước. Đặc biệt không chỉ phòng, chống tham nhũng, lãng phí mà còn gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Thứ ba, về tác hại, trước đây chủ yếu quan tâm đến tác hại trước mắt, về vật chất, nay quan tâm nhiều hơn, nhìn rõ hơn tác hại tiềm ẩn, khôn lường của tham nhũng, tiêu cực là làm hư hỏng, mất cán bộ, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và cuối cùng là mất chế độ như đã từng xảy ra trong thực tiễn lịch sử trên thế giới.

Cuộc đấu tranh phải kiên quyết, kiên trì

Phòng, chống tham nhũng về kinh tế thì chưa đủ mà nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống bởi không suy thoái, hư hỏng thì làm gì dẫn đến tham nhũng. Nhận diện, nhận thức toàn diện, sâu sắc để tìm ra cái gốc, để trị tận gốc của tham nhũng như vậy nên rất nhiều lần đồng chí Tổng Bí thư khẳng định đây là cuộc đấu tranh mà chúng ta phải kiên quyết kiên trì.

Trong 10 năm qua (2012 - 2022), 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật (có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 36 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Rõ ràng những con số ấy đã cho thấy tác hại của tham nhũng, tiêu cực, không chỉ mất cán bộ, nếu không phát hiện, xử lý thì những "ung nhọt" ấy sẽ từng ngày gặm nhấm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Những con số ấy cũng "biết nói" để thấy tinh thần, thái độ kiên quyết, không có "vùng cấm", không có ngoại lệ trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tâm huyết của đồng chí Tổng Bí thư.

Cuộc đấu tranh này còn phải kiên trì bởi tính chất phức tạp khi kẻ thù là “giặc nội xâm”. Thậm chí còn đương đầu với một số luồng ý kiến cho rằng nếu tập trung quá vào chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, chùn bước những người dám nghĩ, dám làm và làm chậm sự phát triển của đất nước. Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định mục tiêu của phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây không phải là cuộc đấu giữa các phe cánh hay đấu đá nội bộ như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu.

Thuận Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.