Multimedia Đọc Báo in

Nhiều giải pháp bình ổn thị trường bất động sản

17:01, 31/07/2022

Thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) xuất hiện những diễn biến bất thường, có thời điểm BĐS trở thành vấn đề “nóng” trên địa bàn tỉnh. Đứng trước tình trạng trên, ngành xây dựng đã có những giải pháp để chấn chỉnh, làm bình ổn thị trường này.

Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ những thông tin về thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Xây dựng LÊ HÙNG.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hùng.

*Thưa ông, ông có thể đánh giá sơ bộ về thị trường đầu tư, kinh doanh BĐS trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

Nhìn chung thị trường BĐS trên địa bàn bàn tỉnh trong thời gian vừa qua có chuyển biến tích cực. Nguyên nhân là do UBND tỉnh đang triển khai các chính sách kích cầu đầu tư, thu hút dòng vốn lớn phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở, kết nối giao thông liên vùng, tiện ích đô thị đồng bộ, hiện đại để thu hút nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Buôn Ma Thuột có lợi thế về đường hàng không do sân bay gần với trung tâm thành phố, đường bay kết nối với các thành phố lớn trên cả nước và định hướng chuyển thành Cảng hàng không quốc tế. Từ đó thu hút sự quan tâm, đầu tư của giới kinh doanh BĐS về phân khúc nhà vườn, khu nghỉ dưỡng. Hơn nữa, quỹ đất để phát triển đô thị ở các vùng lân cận ngày càng khan hiếm, giá đất tăng cao, trong khi quỹ đất tại Đắk Lắk còn rất dồi dào, giá đất cũng còn rẻ. Mức độ cạnh tranh chưa lớn, khả năng sinh lời cao là lựa chọn thích hợp cho các nhà đầu tư vào thị trường BĐS tại Đắk Lắk. Ngoài ra, một số dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư trong những năm qua đang gấp rút hoàn thành tiến độ, đã có sản phẩm đủ điều kiện để bán đã tạo nên sự phong phú về sản phẩm, thu hút mọi nguồn phân khúc khách hàng có nhu cầu về nhà ở.

* Xin ông cho biết công tác quản lý nhà nước về thị trường BĐS ở Đắk Lắk đang được thực hiện như thế nào?

Sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, thị trường BĐS đã có những dấu hiệu phục hồi đáng kể, do dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng nên có xu hướng rót vào BĐS dẫn đến thị trường sôi động, lượng giao dịch tại địa phương tăng. Để đảm bảo thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo về giải pháp xử lý hiện tượng tăng giá đất, tăng cường quản lý thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện chính sách phát triển các dự án nhà ở, dự án phát triển đô thị và dự án đấu giá quyền sử dụng đất…; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, quy hoạch, phát triển đô thị và hệ thống hồ sơ địa chính. Đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; khắc phục lệch pha cung - cầu, phát triển đa dạng các loại hàng hóa BĐS nhà ở; kiểm soát cơ cấu phân khúc sản phẩm, đẩy mạnh phát triển phân khúc BĐS cho thuê.

Bên cạnh đó, đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm xem xét bố trí đủ kế hoạch vốn trung hạn để cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định. Đặc biệt, Sở đã đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành phải kiểm soát chặt chẽ khi quyết định hoặc chấp thuận đầu tư các dự án căn hộ trung và cao cấp. Khuyến khích các dự án nhà ở xã hội và các dự án nhà ở thương mại có diện tích căn hộ nhỏ, giá trung bình để tránh xảy ra tình trạng lệch pha cung - cầu dễ gây bất ổn cho thị trường.

* Giải pháp nào để tăng cường quản lý thị trường BĐS tại các địa phương, góp phần ngăn chặn tình trạng đầu cơ, đồn thổi, đẩy giá BĐS, thưa ông?

Để ổn định thị trường BĐS, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai những giải pháp để kiểm soát thị trường, tránh tình trạng “cò đất” lợi dụng tình hình thổi giá đất, dễ gây rủi ro cho người dân tham gia mua bán. Theo đó, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: triển khai rà soát, kiểm tra các dự án kinh doanh BĐS chậm triển khai, để đất hoang hóa, năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư yếu kém, không còn khả năng triển khai dự án để tham mưu, xử lý việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án và thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh BĐS, dịch vụ BĐS trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện đối với trường hợp có biểu hiện bất thường, vi phạm quy định. Tăng cường theo dõi diễn biến giá đất đối với từng địa phương; quản lý giá bất động sản mua, bán, chuyển nhượng lần đầu đối với các dự án phát triển nhà được phép đưa vào kinh doanh; kịp thời đề xuất xử lý những trường hợp giá đất tăng bất thường tại một số khu vực ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư; rà soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với tổ chức môi giới, mua bán BĐS, cá nhân sử dụng file số dự thảo bản đồ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 của các huyện, thị xã, thành phố để tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất lên cao, tạo “bong bóng” BĐS nhằm trục lợi bất hợp pháp, gây bất ổn cho thị trường. Rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về cho vay vốn tín dụng.

* Xin cám ơn ông!

Khả Lê (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.