Điểm sáng nông nghiệp
Trong 6 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Đắk Lắk tiếp tục phát triển ổn định. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cần tập trung thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành toàn diện hơn để cán đích các chỉ tiêu của năm 2023.
Năng suất, sản lượng tăng
Trong 6 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, năng suất và sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Cụ thể: vụ đông xuân 2022 - 2023, toàn tỉnh gieo trồng được gần 63.000 ha (bằng 109,38% kế hoạch, tăng 766 ha so với cùng kỳ), hiện đã thu hoạch 100% diện tích thực hiện. Đặc biệt, sản lượng lúa đạt 352.996 tấn (tăng 3,2% so với vụ đông xuân năm trước), qua đó, góp phần đưa sản lượng lương thực có hạt toàn tỉnh đạt 375.846 tấn (tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước).
Riêng đối với vụ hè thu 2023, đến nay các địa phương đã kết thúc gieo trồng với tổng diện tích trên 201.000 ha cây trồng.
Sản xuất nông nghiệp là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Ảnh: Thế Hùng |
Các loại cây công nghiệp (cà phê, cao su, hồ tiêu) vẫn là thế mạnh của ngành nông nghiệp Đắk Lắk, với tổng diện tích 278.329 ha. Đến thời điểm này, cây hồ tiêu với trên 31.000 ha đã thu hoạch xong, sản lượng đạt 84.247 tấn (tăng 3,16% so với năm trước); diện tích cây cao su là 34.333 ha, sản lượng mủ đã khai thác 6 tháng đầu năm 2023 là 18.734 tấn (tăng 3,5%); diện tích cây cà phê ổn định với gần 213.000 ha, hiện đang trong giai đoạn chăm sóc vườn cây. Ngoài ra, diện tích cây ăn quả đạt 51.938 ha (tăng 7.779 ha), trong đó diện tích cây sầu riêng là 22.458 ha, sản lượng ước đạt 47.677 tấn (tăng 7,38%). Hiện nay, nông dân đang tập trung chăm sóc vườn cây để chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch.
Đối với chăn nuôi, mặc dù giá thức ăn chăn nuôi vẫn đang ở mức cao, song số lượng đàn gia súc và gia cầm của tỉnh vẫn duy trì ở mức ổn định. Đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn đạt gần 14,5 triệu con (tăng 2,25%); sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 125.700 tấn (tăng 11,24% so với cùng kỳ). Đắk Lắk đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trọng tâm theo hướng sản xuất hàng hóa với nhiều dự án đầu tư trang trại chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất khép kín đã được đầu tư. Công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được theo dõi chặt chẽ để có phương án xử lý kịp thời, đặc biệt với nỗ lực của toàn ngành, đến nay dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò đã được kiểm soát hoàn toàn.
Đẩy mạnh tái cơ cấu
Có thể thấy ngành nông nghiệp cơ bản phục hồi sau đại dịch và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, thủy sản ước đạt 7.051 tỷ đồng (bằng 31,65% kế hoạch và tăng 4,49% so với cùng kỳ), tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp có chứng nhận đều tăng so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh như cà phê, cao su, tiêu, điều... đang có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh, trong đó xuất khẩu cà phê đạt 227.810 tấn (tăng 0,96%); cao su đạt 5.209 tấn (tăng 28,62%).
Nông dân huyện Lắk thu hoạch lúa vụ đông xuân 2022 - 2023. |
Trong năm 2023, ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đề ra các mục tiêu: giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn đạt 22.275 tỷ đồng; thủy lợi bảo đảm tưới chủ động cho trên 83,88% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,5%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 56,6%; tỷ lệ độ che phủ rừng (bao gồm cây cao su) đạt 38,35%...
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT, để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2023, ngành nông nghiệp tiếp tục khắc phục những khó khăn, hạn chế để xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, hội nhập trong nước và quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, phù hợp với phát triển nền kinh tế chung của tỉnh, trong vùng và cả nước. Duy trì tốc độ tăng trưởng, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nội bộ ngành theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.
Cùng với đó, đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao, sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn; đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị… để xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc