Multimedia Đọc Báo in

Không để bị động, gián đoạn trong công tác phòng, chống thiên tai

18:41, 24/07/2025

Chiều 24/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. 

Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ đến 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 xã, phường, đặc khu trên cả nước.

Cùng tham dự có các đồng chí: Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có các đồng chí: Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp. (nguồn: chinhphu.vn)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: chinhphu.vn.

Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lại 3 Ban Chỉ đạo (gồm Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn) thành Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia.

Theo báo cáo tại cuộc họp, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã xảy ra 2 đợt mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt nghiêm trọng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ; bão số 1 và mưa lũ lịch sử cực đoan, trái mùa, trái quy luật tại các tỉnh miền Trung từ ngày 10 – 14/6; dông lốc ngày 19/7 trước bão số 3 tại Quảng Ninh làm 39 người chết, mất tích; hoàn lưu bão số 3 gây mưa lũ lớn tại Nghệ An…

Thiên tai từ đầu năm đến ngày 23/7/2025 đã làm 114 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 553 tỷ đồng.

Các địa phương tham dự trực tuyến.
Các địa phương tham dự trực tuyến. Ảnh: chinhphu.vn.

Theo nhận định tình hình thiên tai và dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2025, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông xấp xỉ trung bình nhiều năm (khoảng 8 – 11 cơn trên biển Đông; 3 – 5 cơn đổ bộ vào đất liền), tập trung nhiều vào nửa cuối mùa mưa bão; lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hoà và các sông suối nhỏ khu vực Bắc Bộ ở mức báo động 2 – báo động 3; nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn do mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi.

Do đó, để phòng, chống, ứng phó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, các bộ, ngành, chính quyền các cấp cần tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai cho phù hợp với thực tiễn và mô hình chính quyền địa phương hai cấp. 

Tham mưu hoàn thiện bộ quy chế hoạt động trong công tác phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ đạo các cấp. Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Tổ chức chỉ đạo, chỉ huy điều hành và triển khai hiệu quả công tác ứng phó với các trận thiên tai lớn. Tăng cường công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng; ưu tiên nguồn lực do cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai…

Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phòng, chống thiên tai là một nội dung phòng thủ đặc biệt, vì Việt Nam có địa hình trải dài, thường xuyên đối mặt với rất nhiều loại hình thiên tai.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu tác động khiến thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng bất thường, cực đoan, khó đoán định. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra về người và tài sản, trong hoạt động phòng thủ dân sự phải tuân thủ theo nguyên tắc “3 phải”: phòng ngừa từ sớm, từ xa; ứng phó bình tĩnh, kịp thời, hiệu quả; khắc phục toàn diện, huy động sức dân. Cần chủ động tích trữ nguồn lực, đảm bảo cung ứng nhu yếu phẩm, không để thiếu hụt hay phát sinh dịch bệnh trong và sau thiên tai.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện phân công, phân nhiệm, bảo đảm "6 rõ": Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền và rõ kết quả; lấy con người làm trung tâm và xây dựng xã, phường, đặc khu làm pháo đài.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế cho phù hợp với tình hình mới; nâng cao năng lực dự báo, ứng phó, khắc phục hậu quả; đầu tư vào hạ tầng thông tin; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; không để bị động, bất ngờ trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo. 

Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân di dời đến nơi an toàn, tránh tâm lý chủ quan gây thiệt hại về người; các bộ, ngành phải phối hợp địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phòng thủ dân sự…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc