Triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng, ngày 25/7, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Công điện yêu cầu các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch trên toàn tỉnh.
Hiện cả nước đã ghi nhận 741 ổ dịch tại 31 tỉnh, thành. Riêng tại Đắk Lắk, tính đến ngày 24/7/2025, dịch đã xuất hiện tại 14 hộ thuộc 9 thôn, buộc tiêu hủy 130 con lợn với tổng trọng lượng 8.519 kg.
![]() |
Cán bộ thú y kiểm tra và lăn dấu kiểm định sản phẩm thịt lợn tại cơ sở giết mổ động vật ở phường Tuy Hòa. Ảnh: Tuyết Hương. |
Hiện tại, 7 xã, phường trên địa bàn tỉnh vẫn còn dịch, trong đó 3 xã Dliê Ya, Krông Năng và Tam Giang dịch bệnh chưa qua 21 ngày. Nguy cơ dịch bệnh DTLCP có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn, nguồn cung thực phẩm và môi trường.
Để phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh DTLCP kịp thời, hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu UBND các xã, phường đang có dịch: Phải bao vây, dập dịch triệt để, không để lây lan. Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan nhanh trên diện rộng, Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, công bố dịch bệnh trên địa bàn theo đúng thẩm quyền và quy định hiện hành. Đồng thời, tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, bán chạy, vứt xác lợn bệnh ra môi trường.
Đối với các xã, phường chưa xảy ra dịch bệnh: Đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân chủ động phòng, chống và khai báo sớm khi có lợn bệnh, nghi mắc bệnh để được hướng dẫn xử lý theo quy định.
UBND các xã, phường có trách nhiệm hướng dẫn người dân chăn nuôi an toàn sinh học; nâng cao ý thức cộng đồng trong việc chỉ lựa chọn và tiêu thụ các sản phẩm động vật có nguồn gốc rõ ràng; siết chặt kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đối với các sở, ngành, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Chú ý đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh DTLCP, các yếu tố nguy cơ, các biện pháp phòng chống dịch bệnh để người dân không hoang mang.
Trong đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương để thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh DTLCP tại các địa phương; tham mưu việc sử dụng vắc xin DTLCP để phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế trong việc hỗ trợ kiểm soát, phân tích chuyên sâu trong công tác phòng, chống dịch bệnh DTLCP, mở rộng quản lý dịch bệnh qua hệ thống trực tuyến…
Sở Công Thương tăng cường công tác quản lý thị trường, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc trên thị trường…
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc