Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép

06:36, 06/08/2024

Thời gian qua, tình trạng khai thác và vận chuyển cát trái phép trên địa bàn huyện Krông Bông ngày càng diễn biến phức tạp.

Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm, qua đó góp phần chấn chỉnh việc khai thác khoáng sản trên địa bàn.

“Cát tặc” lộng hành

Xã Khuê Ngọc Điền được xem là một trong những “điểm nóng” về tình trạng khai thác cát trái phép ở huyện Krông Bông.

Theo ông Hồ Văn Lịch, Chủ tịch UBND xã Khuê Ngọc Điền, trên địa bàn xã có đoạn sông Krông Ana chạy qua dài khoảng 7 km, với trữ lượng cát khá lớn và hiện chưa cấp phép khai thác cho doanh nghiệp (DN) nào.

Trong những năm qua, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn thường xuyên xảy ra nhưng lại khó ngăn chặn và xử lý. Thủ đoạn của các đối tượng khai thác cát trái phép là thường lợi dụng vào lúc trời mưa, đêm khuya, các ngày cuối tuần, ngày lễ… để hoạt động; đồng thời sử dụng các phương tiện tự chế là thuyền, bè nhỏ có gắn máy bơm lưu động, khi bị truy đuổi thì sẽ cắt dây di chuyển sang các địa phương lân cận hoặc bỏ lại phương tiện để tẩu thoát.

Trong khi lực lượng chức năng của xã không có đủ phương tiện, nghiệp vụ để truy đuổi. Bên cạnh đó, việc tuần tra, kiểm soát tại các khu vực sông có cát bị hạn chế do địa hình trắc trở nên khó khăn trong việc phát hiện, vây bắt các đối tượng vi phạm.

Phương tiện khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông) bị lực lượng chức năng tạm giữ.

Ngoài ra, thời gian gần đây, do giá cát tăng cao nên một số người dân sinh sống tại địa phương không có việc làm ổn định, lén lút khai thác cát trái phép trên sông để bán cho những hộ có nhu cầu xây dựng. Dù chính quyền địa phương đã tiến hành xử phạt, tuyên truyền và vận động người dân ký cam kết không tái phạm nhưng do cuộc sống mưu sinh, nhiều trường hợp vẫn bất chấp các quy định pháp luật để khai thác khoáng sản trái phép, thậm chí là vi phạm nhiều lần.

Tình trạng “cát tặc” lộng hành không chỉ xảy ra trên địa bàn xã Khuê Ngọc Điền mà còn ở các xã khác như: Hòa Phong, Hòa Lễ, Cư Kty… Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long cho biết, huyện có hơn 80 km đường sông chảy qua hầu hết các xã trên địa bàn, trong đó có 23 km đã cấp phép cho 3 DN khai thác cát. Hiện còn khoảng 40 km đường sông chưa được cấp phép khai thác cát. Đường sông kéo dài là điều kiện lý tưởng cho các đối tượng khai thác cát trái phép. Có những thời điểm, trên một đoạn sông dài chưa đầy 2 km nhưng có đến 9 thuyền, bè thi nhau “rút ruột” lòng sông.

Nỗ lực đẩy lùi nạn khai thác cát trái phép

Trước tình trạng khai thác cát trái phép, huyện Krông Bông đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, xử lý và từng bước đẩy lùi “cát tặc” trên sông. Theo đó, UBND huyện Krông Bông đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tình hình chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm khai thác khoáng sản, đất đai của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường cùng các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh và xử lý những phản ánh của nhân dân về hoạt động khai thác cát lòng sông trái phép.

Đồng thời, UBND huyện cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành, phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản; đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm để bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn huyện.

Lãnh đạo huyện Krông Bông kiểm tra tình hình khai thác cát trên địa bàn xã Hòa Phong.

Trong đó, chỉ đạo lực lượng công an huyện tăng cường tổ chức các đợt tuần tra, kiểm tra, nắm bắt tình hình và xử lý nghiêm đối với những trường hợp khai thác cát trái phép, tình trạng các phương tiện vận chuyển hàng hóa (khoáng sản) vượt tải trọng, không rõ nguồn gốc cũng như các hành vi lợi dụng việc xây dựng công trình để lấy tài nguyên khoáng sản sử dụng cho mục đích khác không đúng quy định; tham mưu UBND huyện có văn bản đề nghị Công an tỉnh xem xét, chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ, đường thủy xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên sông Krông Ana để kịp thời phát hiện, xử lý các phương tiện vi phạm quy định.

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND huyện thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên môi trường, khoáng sản; xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra tình hình quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản của UBND cấp xã, đặc biệt ở những địa phương thường xuyên xảy tình trạng hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các xã, thị trấn xử lý những trường hợp vi phạm theo thẩm quyền; báo cáo UBND huyện xem xét kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan khi để xảy ra vi phạm mà chậm xử lý hoặc không xử lý dứt điểm.

Đối với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không nhượng đất ven sông cho các đối tượng khai thác cát trái phép; giao các lực lượng chức năng địa phương tiến hành xử lý triệt để tại hiện trường các vụ việc, các bãi tập kết, đường đấu nối vào khu vực khai thác khi phát hiện nhằm ngăn ngừa hoạt động khai thác cát trái phép…

Theo Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long, nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nên đến nay tình hình khai thác và vận chuyển cát trái phép trên địa bàn huyện đã phần nào hạ nhiệt và được kiểm soát hơn; ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân và nhân dân ngày càng được nâng lên; công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản được chú trọng. Tuy nhiên về lâu dài, bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, huyện kiến nghị UBND tỉnh nên tổ chức khảo sát, đấu thầu, cấp phép khai thác cho các DN ở những vị trí phù hợp để tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản, từ đó giúp giảm thiểu tình trạng khai thác cát trái phép tại địa phương.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.